Không để lãng phí tài năng trẻ sân khấu truyền thống

Các cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nam và Bình Ðịnh đã cho thấy tình yêu của giới trẻ với nghệ thuật sân khấu dân tộc, cùng niềm tin vào một thế hệ có đủ tài năng và niềm đam mê tiếp nối những nghệ sĩ đi trước.

Nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ vượt khó, bằng mồ hôi, tài năng và trí tuệ của mình đã mang đến các cuộc thi những tiết mục chèo, tuồng, dân ca kịch hay và xuất sắc. Qua họ, ngọn lửa nghề nhiệt huyết tiếp tục được thắp sáng trên sân khấu, giúp chúng ta thêm tự hào về sức sống bền bỉ và giá trị nghệ thuật truyền thống bền vững của ông cha.

Ðã có hàng chục Huy chương vàng, Huy chương bạc, bằng khen được trao cùng nhiều lời ngợi khen sau mỗi cuộc thi, ghi dấu những nỗ lực, lòng yêu nghề, bước trưởng thành của các nghệ sĩ, diễn viên trẻ và đằng sau đó là sự quan tâm, đầu tư cũng như công sức trao truyền của các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi. Thế nhưng, khi tấm màn nhung sân khấu khép lại cuộc thi cũng là lúc các nghệ sĩ, diễn viên, nhà quản lý quay trở về với thực trạng nan giải của các loại hình kịch hát truyền thống dân tộc và tương lai khó định cho những tài năng trẻ đã tỏa sáng qua các cuộc thi.

Không chỉ đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, sân khấu truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn bởi sự cạnh tranh của các loại hình, phương tiện giải trí hiện đại. Công chúng không mấy quan tâm và khá ít khán giả đến rạp xem các vở chèo, tuồng…, trong khi các nhà hát, đơn vị nghệ thuật bị sáp nhập hoặc giảm biên chế, co cụm lại để đủ kinh phí hoạt động. Cả năm không dựng được vở diễn, nếu có thì doanh thu cũng gần như bằng không, trong khi nghệ sĩ, diễn viên thu nhập thấp, tiền bồi dưỡng biểu diễn ít ỏi, cho nên họ buộc phải làm thêm để nuôi mình và nuôi nghề.

Thực trạng nêu trên của sân khấu truyền thống đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm các nghệ sĩ, diễn viên nói chung và những nghệ sĩ, diễn viên trẻ nói riêng, khiến họ không thể toàn tâm, toàn ý cho sân khấu. Quá trình đào tạo một diễn viên kịch hát truyền thống không hề dễ dàng, thậm chí rất khó so với một số loại hình sân khấu khác, nhất là để có được một tài năng thì lại càng khó hơn. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, họ phải trải qua quá trình khổ luyện, nhưng mấy ai đi đến được tận cùng?!

Tổ chức cuộc thi tài năng trẻ như vừa qua là cần thiết, nhưng câu hỏi đặt ra là phải làm gì để tài năng từ các cuộc thi tiếp tục tỏa sáng, được làm và theo đuổi nghề, cống hiến hết mình cho sân khấu? Họ cần được tạo điều kiện, được đánh giá đúng và tin tưởng để thường xuyên biểu diễn trên sân khấu, có thu nhập tương xứng. Muốn vậy, trước hết các đơn vị phải có kinh phí dựng vở cũng như tìm được cách thu hút khán giả đến với sân khấu.

Trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc mời gọi đầu tư, tài trợ từ nguồn xã hội hóa, các nhà quản lý, nghệ sĩ, diễn viên đều mong muốn có những chính sách, cơ chế đặc thù mang tính ưu đãi để bảo tồn và phát huy sân khấu truyền thống, từ chế độ tuyển chọn, đào tạo cho đến quan tâm đầu tư và nâng cao thu nhập cho nghệ sĩ, diễn viên. Khác với một số loại hình sân khấu khác, sân khấu kịch hát truyền thống sẽ rất khó đứng vững trong cơ chế thị trường nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Có thể thu gọn số lượng đơn vị theo từng loại hình sân khấu diễn xướng, nhưng cần đầu tư tập trung hơn, bảo đảm đủ để các đơn vị có thể hoạt động tốt và các nghệ sĩ, diễn viên yên tâm sống được bằng nghề. Hiện tại, trong các nhiệm vụ mục tiêu năm 2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang xây dựng Ðề án Phát triển tài năng và Bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống đến năm 2030. Chúng ta hy vọng đề án sẽ là hiện thực trong nay mai.

TIẾN DUY