Khôi phục và bảo tồn hoa văn cổ trong sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận

NDO -

NDĐT - Trước chuyện trên thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm nhưng hoa văn cổ bị cải biên nhiều, mười năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, KP4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã vận động nhiều nghệ nhân sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục hàng trăm hoa văn cổ Chăm và quay lại nghề dệt thổ cẩm bằng khung gỗ truyền thống để giữ thương hiệu sản phẩm, bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm.

Nhiều nghệ nhân lớn tuổi vẫn ngày đêm chăm chút cho việc khôi phục và dệt hoa văn cổ trên thổ cẩm để truyền nghề lại cho thế hệ mai sau .
Nhiều nghệ nhân lớn tuổi vẫn ngày đêm chăm chút cho việc khôi phục và dệt hoa văn cổ trên thổ cẩm để truyền nghề lại cho thế hệ mai sau .

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có từ rất lâu và rất nổi tiếng bởi chất lượng sản phẩm dệt thổ cẩm vừa mềm mại, vừa nổi bật với nhiều hoa văn cổ của đồng bào Chăm vừa đẹp, vừa mang nét văn hóa độc đáo.

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được coi là cái “nôi” của làng nghề truyền thống này. Hiện nay, các nghệ nhân và thợ dệt nơi đây vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt thổ cẩm bằng hình thức thủ công, bởi một chiếc khung gỗ dệt có gắn các quả cuốn những sợi chỉ muôn màu sắc để thợ dệt ung dung thả hồn mình vào từng “bước” chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn cổ Chăm, từ đó dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp.

Khôi phục và bảo tồn hoa văn cổ trong sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận ảnh 1

Các nghệ nhân kiểm tra sản phẩm và gắn lô gô thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm làng nghề Chăm Mỹ Nghiệp trước khi trưng bày phục vụ du khách đến tham quan.

Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (HTX) cho biết, cách đây nhiều năm, ông Thiệu đã nhìn thấy rất nhiều nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm Chăm, nhưng là người trong nghề, nhìn sơ qua biết ngay là không chuẩn, vì nền vải thổ cẩm Chăm rất mềm mại; nét hoa văn cổ Chăm rất độc đáo, nhiều màu sắc, họa tiết kết hợp lại tạo thành những biểu tượng hoa văn cách điệu, như hình quả trám, hình rồng, voi, chim thú, hoa lá hay các họa tiết hình học đối xứng làm viền trang trí cho nhiều loại trang phục, dây đai, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường, túi xách, …. Sản phẩm thổ cẩm Chăm tại làng Mỹ Nghiệp không đơn thuần chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn mang nhiều ý nghĩa, triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tư duy mỹ thuật của đồng bào Chăm, bởi nét đặc trưng, tiêu biểu không có nơi nào sánh kịp.

HTX được thành lập cuối năm 2010, đến nay đã sưu tầm khoảng 100 mẫu hoa văn cổ Chăm và đang được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm dệt thủ công truyền thống trên khung dệt đóng bằng gỗ. Ngoài những mẫu hoa văn truyền thống, phổ biến mà các nghệ nhân đang lưu giữ và sản xuất được, HTX tiếp tục sưu tầm những mẫu hoa văn cổ đặc biệt chỉ để dệt vải thổ cẩm dành cho việc may y phục các vị chức sắc, quý tộc trong đồng bào Chăm trước đây, nay theo biến đổi của thời gian đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Hiện nay, số nghệ nhân cao tuổi ở làng Mỹ Nghiệp không còn nhiều, trong khi thế hệ trẻ chưa kịp kế thừa, cho nên nhiều thợ dệt biết rất ít các kỹ thuật tạo hình hoa văn cổ Chăm. Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, HTX cùng với các nghệ nhân, thợ dệt giỏi trong làng đã và đang khẩn trương sưu tầm, phục chế lại những mẫu hoa văn cổ mà ít người Chăm còn biết đến.

Vào dịp lễ hội Katê của đồng bào hàng năm, HTX tổ chức các thi dệt thổ cẩm để tìm thợ dệt giỏi, nhằm tìm kiếm thêm các hoa văn cổ còn bảo lưu trong cộng đồng, đồng thời tìm những thợ giỏi, nghệ nhân làm người hướng dẫn, dạy nghề cho thế hệ trẻ tiếp nối việc gìn giữ những nét đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nhiều nghệ nhân lớn tuổi cho biết, việc khôi phục những hoa văn cổ phải mất nhiều thời gian. Nhiều người mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới biết được cách làm, vì những mẫu hoa văn có nhiều họa tiết phức tạp. Để tạo hình hoa văn cổ trên nền vải thổ cẩm, thợ dệt phải đếm và sắp xếp hàng nghìn sợi chỉ có kích thước và màu sắc chuẩn, để khi căn chỉ vào khung dệt phải khớp…; khi dệt phải đều tay để thoi đánh chặt đều thì việc phối các màu mới đúng, đủ các họa tiết của hoa văn cổ.

Công việc rất vất vả, nhưng với tâm huyết bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng, nhiều nghệ nhân lớn tuổi vẫn cần mẫn sưu tầm, khôi phục nhiều mẫu hoa văn cổ xưa để truyền dạy lại kỹ thuật dệt cho con cháu tiếp nối nghề truyền thống.

Khi thành lập HTX chỉ có 25 xã viên, đến nay đã phát triển lên 113 xã viên góp vốn hoạt động. Năm năm qua, được Trung tâm Khuyến công và Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh hỗ trợ kinh phí, đã tham gia 20 lượt hội chợ triển lãm sản phẩm trong cả nước, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tham gia Hội chợ dệt truyền thống Asean lần thứ 5 năm 2013, tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên; được tỉnh, ngành, địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển kinh tế tập thể, giai đoạn 2002-2012 và Thành tích tiêu biểu các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2014-2019.

Khôi phục và bảo tồn hoa văn cổ trong sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận ảnh 2

Thế hệ trẻ làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp theo học nghề để tiếp nối việc giữ gìn làng nghề truyền thống.

Với sự nỗ lực, kiên trì của tập thể HTX, đã sưu tầm và khôi phục thành công các kỹ thuật dệt để tạo hình khoảng chục hoa văn cổ tinh xảo có cấu trúc phức tạp, đưa vào sản xuất sản phẩm mới. Trong đó, sản phẩm khăn thổ cẩm trang trí mặt bàn được thiết kế từ hoa văn cổ mới khôi phục đã đạt giải chứng nhận về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận. Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 17 làng nghề tiêu biểu nhất Việt Nam.

Trong năm năm qua, tổng doanh thu của HTX đạt gần năm tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng; tỷ suất nhuận trên vốn góp xã viên khá cao, nhiều xã viên đạt 18 triệu đồng/năm triệu đồng mức góp ban đầu/năm, đời sống xã viên ngày được cải thiện nhiều. Hằng năm, HTX đều tổ chức cho xã viên đi tham quan du lịch, trao đổi kinh với những vùng Chăm khác trên cả nước.

Bên cạnh việc phục dựng những hoa văn cổ để đưa vào sản xuất, HTX đang nghiên cứu xây dựng các chương trình thuyết minh cho du khách khi tới tham quan, mua sắm các sản phẩm thổ cẩm truyền thống về ý nghĩa các hoa văn trên sản phẩm, giới thiệu các kỹ thuật dệt độc đáo đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm thổ cẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp. Giờ đây, sản phẩm thổ cẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp không chỉ được du khách ưa thích mà đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận.