Điêu khắc giấy của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam

Chúng tôi gặp họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam tại căn nhà mới chuyển về vốn của cha ông là cố họa sĩ Phạm Viết Song trên phố Thiền Quang (Hà Nội). Quanh ấm trà nhỏ, họa sĩ kể nhiều câu chuyện về nơi này, những gắn bó và các lứa học trò xưa của cha mình, rồi mới nói về triển lãm sắp tới của ông có chủ đề “Hội họa điêu khắc giấy về phụ nữ và tĩnh vật”.

Tranh cắt giấy Thị Mầu lên chùa của Phạm Viết Hồng Lam.
Tranh cắt giấy Thị Mầu lên chùa của Phạm Viết Hồng Lam.

Vẫn là các đề tài về cuộc sống, lao động và sinh hoạt đời thường của phụ nữ với những thiên chức gia đình, nhưng sẽ có phần “thoáng hơn trong thể hiện và đậm đặc cá tính” như họa sĩ cho biết.

Cuộc đời họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam gắn với nhiều miền quê của đất nước, từ chiến tranh đến thời bình, từ người lính đến người thầy và trở thành “họa sĩ nhà quê” theo cách ông vẫn tự hào gọi mình như vậy. Từng có nhiều cuộc triển lãm tranh trong mấy chục năm qua, nhưng họa sĩ cho rằng sự nghiệp sáng tác của mình có ba giai đoạn với ba cuộc triển lãm ghi dấu quan trọng.

Triển lãm đầu là dành cho các sáng tác những năm 80 khó khăn của thế kỷ trước với tranh bột mầu. Thời kỳ những năm 1987-1990, ông mắc bệnh hiểm nghèo và trong thời gian chữa trị, với điều kiện hạn chế, ông đã sử dụng hình thức cắt giấy mầu để tạo nên những tác phẩm hội họa (hội họa điêu khắc giấy). Ban đầu là các tác phẩm kích thước nhỏ, đến sau năm 1995 thì có nhiều tác phẩm tranh cắt giấy khổ lớn, đề tài chủ yếu là về chim muông, tĩnh vật và đã được trưng bày ở triển lãm thứ hai. Và đến triển lãm lần này, theo ông là dấu mốc thứ ba của sự nghiệp sáng tác, đồng thời cũng là một lần nữa ghi dấu họa sĩ vượt qua cơn bạo bệnh từ năm 2017 đến nay.

Hơn 60 tác phẩm vẫn chủ yếu là tranh cắt giấy khổ lớn 120 x 100 cm về đề tài phụ nữ và tĩnh vật, thể hiện sự cảm thụ và khả năng phối mầu tương tác với cảm xúc và cá tính của Phạm Viết Hồng Lam. Gần giống với họa sĩ người Pháp Ăng-ri Ma-tít-xê, bậc thầy về mầu sắc, người mà về cuối đời, do bệnh tật đã sử dụng hình thức cắt giấy trong sáng tác tranh. Phạm Viết Hồng Lam đã học hỏi, tiếp thu nhưng không bị ảnh hưởng, tranh của ông mang đậm chất dân gian và không gian Việt, con người Việt cũng như mầu sắc tâm hồn người Việt trong cuộc chơi hình họa với điêu khắc giấy.

Chia sẻ về chủ đề triển lãm “Hội họa điêu khắc giấy về phụ nữ và tĩnh vật”, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam cho biết: “Tôi rất ít khi sử dụng hình thể phụ nữ trong tranh ngoài một số nhân vật ở tranh bột mầu. Đây là lần đầu tôi thể hiện rõ về hình thể người phụ nữ trong cuộc sống đời thường, với con cái, gia đình và trong các lễ hội, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, nhằm ca ngợi vẻ đẹp của họ bằng điêu khắc giấy và mầu sắc. Chất liệu do tôi tự chế với thủ pháp cắt, vò, làm mầu tạo cảm giác, tạo ấn tượng về tính cách nhân vật từ sự vò xé của chất liệu”. Tuy cho rằng mình thể hiện về hình ảnh người phụ nữ đã phóng khoáng hơn rất nhiều, nhưng tranh của ông vẫn kín đáo, mô phạm như cuộc đời ông đã trải qua, rất tế nhị và toát lên vẻ đẹp của cuộc sống đầy cá tính.

Được hỏi vì sao ông lại lựa chọn hình thức tranh cắt giấy, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam giải thích: “Hội họa điêu khắc giấy khổ lớn không đơn giản và với tôi thì kích thước tác phẩm phải lớn mới thỏa mãn bản năng về cảm thụ mầu, không phải ai cũng có được dù muốn luyện mà thuộc về bản năng cá nhân. Riêng từng tác phẩm, tôi phải tự chế riêng cho mình những vật liệu đáp ứng mầu yêu cầu”. Có thể nói, sự tích lũy, dồn nén cả đời, sở trường về chất liệu, cảm thụ mầu đã cho phép họa sĩ thể hiện những biến hóa về mầu sắc huyền ảo và đầy ấn tượng trên điêu khắc giấy.

Triển lãm “Hội họa điêu khắc giấy về phụ nữ và tĩnh vật” của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam sẽ được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) tới tại Nhà trưng bày đấu giá nghệ thuật Chon’s Hà Nội (63 phố Hàm Long). Đây là món quà nhiều ý nghĩa của hai vợ chồng họa sĩ - nhà giáo dành cho các đồng nghiệp, học trò và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.