Đạo, nhái tranh để dự thi - Chuyện bao giờ mới hết?

NDO -

Từ nhiều năm nay, nhiều cuộc thi mỹ thuật với những ý nghĩa tốt đẹp lại trở nên tai tiếng không đáng có bởi những lùm xùm liên quan đến đạo tranh, nhái tranh. Mới đây nhất, vụ họa sĩ Dương Ngân Hải (Hà Tĩnh) bị tố nhái tranh để dự tới hai cuộc đã khiến dư luận đặt câu hỏi “Bao giờ những chuyện như thế này mới chấm dứt?”

Tác phẩm được trao giải khuyến khích của tác giả Dương Ngân Hải năm 2017 (bên phải) nhái tranh cổ động Olympic Moscow 1980. Ảnh: Internet
Tác phẩm được trao giải khuyến khích của tác giả Dương Ngân Hải năm 2017 (bên phải) nhái tranh cổ động Olympic Moscow 1980. Ảnh: Internet

Ngày 5-7, những ai yêu thích nghệ thuật và dõi theo group “Vietnam Art Space” đều lấy làm sửng sốt khi họa sĩ Trần Thảo Hiền đăng tải một loạt ảnh chụp chứng minh một số tác phẩm tranh cổ động đã đạo, nhái tranh của họa sĩ nước ngoài và đem đi dự thi.

Cụ thể, tác phẩm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” dự cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền - văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, có nội dung cơ bản tương tự tác phẩm cổ động của một họa sĩ Ukraine công bố năm 2015. 

Đạo, nhái tranh để dự thi – Chuyện bao giờ mới hết? -0
 Tranh của họa sĩ Ukraine năm 2015.

Đạo, nhái tranh để dự thi – Chuyện bao giờ mới hết? -1
Tranh của tác giả Dương Ngân Hải.

Trước đó, tác phẩm  "Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng" của họa sĩ Dương Ngân Hải cũng tham gia một cuộc thi khác, là cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền năm APEC Việt Nam 2017, bị phát hiện ra là nhái tác phẩm "Thể thao phục vụ hòa bình và tình hữu nghị các dân tộc" của họa sĩ Liên Xô A. Arkhipenko vẽ tuyên truyền cho Thế vận hội 1980 tại Moscow. Thậm chí, màu của hình chim bồ câu trong tranh gốc là màu của năm vòng tròn Olympic, nhưng tác giả Dương Ngân Hải đã sao chép nguyên cả màu của hình chim bồ câu này. Trớ trêu là, bức tranh nhái đã được Cục Văn hóa cơ sở trao giải khuyến khích.
Chia sẻ với báo giới sau khi bị phát hiện, họa sĩ Dương Ngân Hải đã có lời xin lỗi và giãi bày rằng thấy hình ảnh trong tranh phù hợp với ý tưởng của mình nên có áp dụng, và không nghĩ đó là đạo, nhái. Điều này cho thấy, hiểu biết của chính một số người trong giới làm nghề về bản quyền, sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này đang còn khá nhiều lỗ hổng.

Mỹ thuật lâu nay là một trong những lĩnh vực mà họa sĩ kêu trời nhiều nhất về nạn đạo, nhái tranh. Từ đạo, nhái tranh các thời kỳ mỹ thuật kháng chiến, mỹ thuật Đông Dương, tranh giả trên thị trường, trên sàn đấu giá, cho đến đạo, nhái hình ảnh và ý tưởng lẫn của nhau. Điều này đã rất gây bức xúc trong giới họa sĩ, và không ít lần các họa sĩ đã phải kêu gọi nhau liên kết để chống lại tình trạng này, nhưng có lẽ những nỗ lực của họ cũng vẫn chỉ như muối bỏ biển.
Đây không phải là lần đầu tiên có những bức tranh đạo, nhái ý tưởng tham dự một cuộc thi, thậm chí giành cả giải thưởng. Năm 2019, cuộc thi Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức cũng vấp phải những lùm xùm về tranh nhái. Có bốn tác phẩm đoạt giải khuyến khích của cuộc thi đã bị tố là sao chép ý tưởng hoặc trùng, nhái một phần nội dung của một số bức tranh đã được công bố trước đó. 
Tranh cổ động thường có những hình mẫu ước lệ, môtíp sáng tạo và chủ đề tương đối chung, vì thế không phải họa sĩ nào cũng giàu ý tưởng để thể hiện được ý đồ của mình trên tác phẩm. Tuy nhiên, tham khảo để tìm ra những ý tưởng mới cho mình khác với việc bê nguyên si một phần nội dung tác phẩm khác làm của mình.

Điều quan trọng là tự bản thân mỗi người sáng tác phải có ý thức về bản quyền, vì điều đó không chỉ tránh xâm phạm đến quyền lợi, tác phẩm của người khác, mà còn là góp phần bảo vệ quyền lợi của chính mình. 

Ngày 8-7,  Cục Văn hóa cơ sở đã lên tiếng cho biết đang xác minh việc bức tranh “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” dự cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền - văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 bị tố là nhái, từ đó tham mưu xử lý theo quy định.