Đắm chìm vào thế giới âm thanh và màu sắc của hai vở rối mới

NDO -

NDĐT- Đến hẹn lại lên, vào các dịp lễ dành cho thiếu nhi, Nhà hát múa rối Thăng Long luôn dành tặng các khán giả nhí những món quà thật đặc sắc. Năm nay, Nhà hát giới thiệu hai vở diễn mới mà các đạo diễn đã dày công chuẩn bị: “Thế giới của chúng em 5” và “Cô bé bán diêm” để chào đón Noel và năm mới 2020.

Đắm chìm vào thế giới âm thanh và màu sắc của hai vở rối mới

“Cô bé bán diêm” do NSƯT Lê Thu Huyền viết kịch bản và đạo diễn. Vở rối dựa trên các câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn Đan Mạch Andersen. Các bạn nhỏ cùng đồng hành với cô bé nghèo phải đi bán diêm kiếm sống trong đêm Giáng sinh giá buốt. Những que diêm nhiệm màu đã biến những ước mơ của cô thành hiện thực trong chốc lát: cô được ăn ngon, mặc đẹp, được tham gia vào cuộc phiêu lưu kỳ thú nơi đại dương bao la. Nhưng cuối cùng, điều cô bé cần nhất chính là tình yêu thương của mẹ. Và giấc mơ của cô bé đã trở thành hiện thực, mẹ đã đến đón cô tới một nơi mà ở đó cô sẽ được sống hạnh phúc mãi mãi. Câu chuyện quen thuộc được nhào nặn dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ trở nên mới mẻ, hấp dẫn, chứa đựng nhiều thông điệp nhẹ nhàng, ý nghĩa. Câu chuyện đã mang đến một thông điệp hết sức nhân văn, tình yêu thương cộng đồng một cách chân thành nhất.

Đắm chìm vào thế giới âm thanh và màu sắc của hai vở rối mới ảnh 1

Vở rối với nội dung quen thuộc được thể hiện bằng nhiều hình thức: rối que, rối nước, kết hợp với các diễn viên trình diễn trực tiếp trên sân khấu, đem lại sự hứng thú và hấp dẫn. Các hiệu ứng ánh sáng, màu sắc kết hợp với thả bong bóng từ trên trần xuống đã khiến cho vở diễn thêm lung linh và các khán giả nhí liên tục ồ à tán thưởng.

Đắm chìm vào thế giới âm thanh và màu sắc của hai vở rối mới ảnh 2

Hiệu ứng "tuyết rơi".

“Thế giới của chúng em 5” tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét của đạo diễn, NSƯT Đức Hùng, với đặc điểm là vui nhộn, rực rỡ và luôn gây bất ngờ cho các khán giả nhí từ những chi tiết nhỏ nhất. Vở diễn gồm nhiều tiết mục tạp kỹ lấy cảm hứng từ những ca khúc ăn khách của cả Việt Nam và nước ngoài, dàn dựng theo phong cách hiện đại, chú trọng tới khả năng tương tác giữa khán giả và các nhân vật trên sân khấu. Các khán giả nhí vô cùng thích thú khi thấy các nhân vật “bỗng dưng” xuất hiện từ những phía không phải sân khấu, như từ hàng ghế khán giả, từ hai bên cánh gà của ghế khán giả, từ cửa thoát hiểm, và đôi khi cả từ trên trần nhà.

Đạo diễn Đức Hùng “hiểu” tâm lý của trẻ con cho nên anh tạo cho các bé những niềm vui từ những chi tiết nhỏ, có thể là lời thoại mà nhân vật nói sai một cách đáng yêu, hoặc sự hối lỗi hoặc sợ hãi bất ngờ của một nhân vật “ác” nào đó. Anh khai thác tất cả mọi góc cạnh của sân khấu, từ trần nhà, cánh gà… đều trở nên hữu dụng với những vở diễn mà anh đang thực hiện.

Đắm chìm vào thế giới âm thanh và màu sắc của hai vở rối mới ảnh 3

Văn hóa các nước trên thế giới được lồng vào vở diễn.

Có thể thấy, những năm gần đây các đạo diễn, nghệ sĩ các thế hệ của Nhà hát múa rối Thăng Long đang bung nở hết mình trong sự sáng tạo. Những ý tưởng mới liên tục được triển khai trong từng vở diễn. Nhà hát không chỉ còn đơn thuần mỗi rối nước, mà các nghệ sĩ đã kết hợp thêm rất nhiều loại hình khác nhau để làm phong phú cho vở diễn của mình, từ rối que, rối dây, rối người, kết hợp cả sân khấu rối nước và trên cạn, làm những mô hình rối khổng lồ… Không chỉ vậy, trang phục của người diễn, của nhân vật cũng được chăm chút rất kỹ càng. Cùng là một cô Elsa, nhưng không thấy nhàm chán. Hay những chú lùn, những chú lợn con, những chú hề… đều có những sắc thái riêng qua mỗi lần xuất hiện. Các đạo diễn còn rất chịu khó kết hợp hiệu ứng của ánh sáng, âm thanh, màu sắc, hiệu ứng của hai sân khấu nước - cạn để đem lại kết quả tốt nhất cho vở diễn của mình.

Đắm chìm vào thế giới âm thanh và màu sắc của hai vở rối mới ảnh 4

Các ông già Noel cùng nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn.

Điều quan trọng nhất của các vở diễn là ý nghĩa giáo dục nay đã không còn khô khan, cứng nhắc, mà được khéo léo lồng vào câu chuyện của những nhân vật, thông qua tương tác với các em nhỏ, làm chính các em tự hiểu ra rằng nên làm như thế nào cho đúng, và như thế nào là sai, là không phải. Chẳng thế mà mỗi một buổi ra mắt vở diễn mới, ngay cả lối đi hai bên rạp cũng kín những em nhỏ và phụ huynh đứng xem say sưa đến tận phút cuối cùng của vở diễn. Đó là những hình ảnh mà bất kỳ Nhà hát nào cũng mơ ước trong hoàn cảnh hầu hết các nhà hát nghệ thuật đều khó khăn như hiện nay.