Chờ đợi những đổi mới của điện ảnh nước nhà

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 diễn ra từ ngày 23 đến 27-11 tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập". Ðiều dư luận quan tâm nhất vẫn là chất lượng phim có được nâng cao, bứt phá đem đến thành tựu cho điện ảnh nước nhà và hội nhập quốc tế hay không?

Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.

Nhiều điểm mới

LHP lần này có tổng số 104 phim thuộc các hạng mục phim dự thi và phim trong chương trình toàn cảnh, trong đó 74 tác phẩm sẽ tranh các giải Bông sen vàng, Bông sen bạc, cá nhân… Trong số 16 phim truyện điện ảnh, có tới bốn phim được Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ, gồm: Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Ðinh Tuấn Vũ), Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp), Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Ðặng Thái Huyền) và Hợp đồng bán mình (đạo diễn Trần Ngọc Phong). Tại tuần phim chào mừng LHP, các phim nêu trên đều được đánh giá tốt về chất lượng. Bên cạnh đó, một số phim từng được giới chuyên môn đánh giá cao và đoạt giải thưởng như Song Lang (đạo diễn Leon Quang Lê), Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ) cũng tạo được dấu ấn tốt. Tuy nhiên, số lượng khán giả đến rạp xem tuần phim miễn phí lại chỉ đông với các phim từng lập kỷ lục doanh thu phòng vé nửa đầu năm 2019, như: Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung), Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Lật mặt: Nhà có khách (đạo diễn Lý Hải), Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng)…

Tuy hạng mục phim truyện điện ảnh chủ yếu vẫn là sự góp mặt của các hãng phim tư nhân, nhưng trong thực trạng những năm gần đây, các kỳ LHP gần như vắng bóng mảng phim nhà nước thì số lượng bốn phim nhà nước kỳ này cũng là một tín hiệu đáng chú ý. Riêng ba hạng mục tài liệu, khoa học và hoạt hình vẫn do hãng phim nhà nước sản xuất, trong số đó có phim từng đoạt giải Cánh diều vàng 2018 như Bí mật hang Duôn (phim hoạt hình), Trầm cảm sau sinh (phim khoa học)… Ðáng chú ý, điện ảnh quân đội nhân dân có tới 18 phim tham dự LHP Việt Nam lần thứ 21, gồm: một phim truyện điện ảnh, hai phim khoa học, 15 phim tài liệu; đề tài chủ yếu về chiến tranh, lịch sử, y học… Phim truyện điện ảnh Nơi ta không thuộc về của đạo diễn Ðặng Thái Huyền xoay quanh đề tài hậu chiến nhằm truyền tải thông điệp: nơi đâu có tình yêu và sự sẻ chia đều sẽ tạo nên sức mạnh, niềm tin và sự cứu rỗi để con người vượt qua mọi khổ đau, mất mát. Ðạo diễn Ðặng Thái Huyền chia sẻ, trong tuần phim, trước giờ chiếu Nơi ta không thuộc về khoảng 20 phút, khán giả gần kín rạp cho thấy sự quan tâm của mọi người với mảng phim đề tài chứ không hẳn là quay lưng hoàn toàn. Bên cạnh đó, hai bộ phim khoa học Ghép tạng và Giám định ADN trong nhận dạng liệt sĩ cũng là những tác phẩm được người xem quan tâm. Theo các chuyên gia điện ảnh, có thể ban đầu lượng khán giả chưa thật sự đông, nhưng chất lượng các buổi chiếu phim và tính dài hơi trong việc cung cấp nhiều dữ liệu, giá trị thông qua điện ảnh ở những bộ phim dạng này là điều cần thiết. Ðáng chú ý, phim tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Ðông Dương có thời lượng 30 phút do đạo diễn trẻ Vũ Anh Nhất thực hiện thể hiện tư duy, cách tiếp cận, sáng tạo mới mẻ của một người trẻ làm phim tài liệu
lịch sử.

Ðể điện ảnh đáp ứng sự kỳ vọng

Nhận định về điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh cho rằng, một số hãng phim tư nhân quan tâm việc quảng bá, chủ động tiếp thị tại các LHP, thị trường trong nước và quốc tế. Bởi thế, hầu hết phim do tư nhân sản xuất đều đạt doanh thu tốt. Song, phần lớn phim thường thuộc thể loại giải trí, chưa đề cập được những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm cho nên ở khi tranh giải kết quả không như kỳ vọng. Ông mong muốn đội ngũ làm điện ảnh trẻ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến những bộ phim về đề tài số phận con người, tính nhân văn, sắc màu văn hóa dân tộc; điều đó cũng bám sát chủ đề của LHP Việt Nam lần thứ 21 là "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập". Ðạo diễn phim Truyền thuyết về Quán Tiên Ðinh Tuấn Vũ (sinh năm 1989), chia sẻ, làm phim đề tài chiến tranh, lịch sử là một thử thách lớn mà anh và ê-kíp đã cố gắng chinh phục. Họ mất một năm rưỡi kể từ khi chọn cảnh, sửa kịch bản đến giai đoạn quay phim tại Quảng Bình. Ngoài ra, quá trình xử lý hậu kỳ mất nửa năm với rất nhiều công đoạn phức tạp. Bên cạnh những gương mặt kinh nghiệm, ê-kíp làm phim đều là những người còn rất trẻ, có người sinh năm 1998 và vẫn đang theo học tại Trường đại học Sân khấu và Ðiện ảnh. Ðây là minh chứng cho đam mê, tâm huyết của đội ngũ những người làm phim trẻ trên con đường nỗ lực chinh phục đề tài và khán giả khó tính.