Bảo vệ toàn diện Di sản Văn hóa thế giới Hội An

Giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện bảy nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bền vững phố cổ Hội An; trong đó chú trọng chống xuống cấp đối với những di tích có giá trị văn hóa, lịch sử cao. Bảy nhóm giải pháp gồm: Chống ngập lụt phố cổ; chống xói mòn, sạt lở; phát triển không gian cảnh quan tuyến phố hướng tới phát triển bền vững; bảo tồn các công trình cổ, công trình cũ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; quy hoạch đô thị nông thôn vùng di sản và phát triển làng nghề; nhóm giải pháp về nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản.

Chùa Cầu là điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch của TP Hội An (Quảng Nam). Ảnh: LÂM THANH
Chùa Cầu là điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch của TP Hội An (Quảng Nam). Ảnh: LÂM THANH

Từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999 đến nay, với nhiều nguồn vốn khác nhau, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã hỗ trợ hơn 152 tỷ đồng để trùng tu, bảo vệ khẩn cấp các di sản đang bị xuống cấp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, kinh phí trùng tu, bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới Hội An được trích phần lớn từ hoạt động bán vé cho khách tham quan. Năm 2019, nguồn thu này đạt khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách tham quan giảm mạnh, khiến nguồn thu này sụt giảm nghiêm trọng.

Thành phố Hội An hiện có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.

* Theo báo cáo của Liên hợp quốc, trung bình mỗi năm thế giới có khoảng bảy triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho toàn cầu khoảng 5.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm không khí ở các đô thị đang có chiều hướng gia tăng, trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng.

Ở các đô thị có hoạt động giao thông với tần suất cao, nguồn phát thải của hợp chất hữu cơ có thể từ khí thải của hệ thống giao thông vận tải. Căn cứ vào các số liệu quan trắc bụi mịn PM10 và PM2.5 của sáu trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Việt Trì (Phú Thọ), Huế (Thừa Thiên Huế), Ðà Nẵng và Nha Trang (Khánh Hòa) từ năm 2019 đến nay, ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khác thường so với các năm trước, ô nhiễm cục bộ tăng lên. Riêng trong tháng 9-2019, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tăng cao do ít mưa nhất trong vòng sáu năm qua... Theo các nhà nghiên cứu, giải pháp lâu dài là hoàn thiện quy hoạch chung đô thị hợp lý, nhất là quy hoạch giao thông đô thị thông minh; phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng, như là các dạng xe buýt, metro, đường xe điện trên cao...; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, xe đạp; các loại xe cơ giới chạy bằng khí ga, khí hóa lỏng và xe chạy điện... Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, cấp ga, hệ thống cáp thông tin...). Áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm, như không sản xuất bê-tông tươi tại công trường mà sản xuất bê-tông tươi tại các trạm sản xuất bê-tông tươi rồi chở đến công trường bơm lên sàn, cột công trình. Tăng cường năng lực cơ quan quản lý môi trường không khí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở các thành phố lớn khác. Mặt khác, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, nhất là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị…