30 năm thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội

NDO -

Ngày 27-11, tại Giảng đường chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học ra số đầu tiên.

Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học cho biết: Năm 1989, Giáo hội thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Thiền viện Vạn Hạnh - TP Hồ Chí Minh.

Sau một năm hoạt động của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thấy cần phải thành lập một “Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam” đặt tại Hà Nội để vừa bảo đảm công tác nghiên cứu Phật học được thuận lợi, phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu Phật học của Tăng ni, Phật tử… vừa bảo đảm ý nghĩa của chính sách tự do tôn giáo trong thời mở cửa của Nhà nước.      

Ngày 17-09-1990, UBND TP Hà Nội có quyết định số 4204/QĐ-UB cho phép Giáo hội thành lập “Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam” đặt tại số 73 phố Quán Sứ. Việc thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho việc nghiên cứu Phật học, mà còn góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc.      

Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định xuất bản Nội san Nghiên cứu Phật học để đăng tải các công trình nghiên cứu Phật học và là diễn đàn của Tăng ni, Phật tử trong công tác học thuật và nghiên cứu Phật học. Đến năm 1996, Nội san chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Tạp chí hiện phát hành hai tháng/số, 6 số/năm, in giấy couche, bốn màu, kích thước 20×28 cm, số trang từ 68 -76 trang tùy theo từng số.        

Đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ngày càng phát triển, định hình được nền văn hóa dân tộc từ thời Đinh - Lê - Lý và nhất là thời Trần. Tư tưởng của Phật giáo đời Trần được khẳng định qua sự nghiên cứu và triển khai qua các kỳ hội thảo trong nước cũng như ngoài nước với các nhà nghiên cứu và các trung tâm, các viện nghiên cứu tôn giáo cũng như viện hàn lâm khoa học xã hội, đã đạt được những thành tựu tốt đẹp.