Ðổi mô-tô, xe máy cũ lấy mới

Vẫn e ngại tính khả thi!

Hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có chương trình thí điểm kiểm tra khí thải mô-tô, xe máy. Cả hai cách làm đều hướng đến mục tiêu chung là kiểm soát khí thải, cải thiện môi trường không khí đô thị. Song tính khả thi của chương trình đến đâu là điều dư luận quan tâm.

Khá nhiều xe máy cũ được tận dụng chở phế thải xây dựng.
Khá nhiều xe máy cũ được tận dụng chở phế thải xây dựng.

"Bắt tay" với chủ phương tiện

Ðến thời điểm này là giai đoạn nước rút của chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí" tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình được thực hiện từ ngày 15-5 đến hết tháng 9-2020, theo đó người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được kiểm tra khí thải miễn phí tại tám đại lý bảo dưỡng thuộc năm hãng xe bao gồm: Yamaha, SYM, Honda, Piaggio, Suzuki trên địa bàn bốn quận.

Các cơ quan chức năng khuyến khích chủ phương tiện đã sử dụng hơn 5 năm mang xe đi kiểm tra, khai thông tin. Ðối với xe máy có nồng độ khí thải nhỏ hơn tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 (bảo đảm tiêu chuẩn phát thải) sẽ được tặng voucher thay dầu, nhớt miễn phí và ra về. Nếu xe có nồng độ khí thải cao hơn tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 sẽ được tiến hành kiểm tra thêm tám hạng mục. Mục tiêu của chương trình là khuyến khích 10 nghìn phương tiện tham gia để từ đó có thông tin thực hiện các chính sách tiếp theo, như đề ra các giải pháp kiểm soát khí thải của các loại xe máy khi tham gia giao thông. Ðồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy.

Còn tại Hà Nội, theo đề xuất từ chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô-tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố", những chiếc xe máy cũ đã qua 18 năm sử dụng không đạt tiêu chuẩn về khí thải được hỗ trợ một khoản tiền khi đổi sang xe mới. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn tám trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn sáu quận là: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ðống Ða, Hà Ðông, Thanh Xuân. Người dân mang xe cũ đến các đại lý này để đo khí thải, xe không bảo đảm điều kiện sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi với mức từ 2 đến 4 triệu đồng/chiếc. Nguồn kinh phí do VAMM cung cấp, cộng với kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2020. Số lượng ước tính khoảng 5.000 phương tiện tham gia. Thời gian triển khai dự kiến trong ba tháng, từ cuối tháng 9 đến 12-2020.

Ðừng chỉ dừng ở… thí điểm!

Ngay khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đưa ra hai chương trình nói trên, lập tức đã có nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi và tính pháp lý của chương trình. Thậm chí, có ý kiến, liệu rằng đây có phải là chiêu thức để các hãng xe đẩy mạnh doanh số bán hàng?...

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ở hai đô thị lớn này trong kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy phải làm từ lâu, nhưng do chưa có trong quy định của luật nên chưa làm được. Nay các quy định kiểm tra khí thải, kiểm định đối với xe mô-tô, xe máy đang được đưa vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Các chương trình của hai đô thị này có tính nhất quán và ở mức độ chương trình thí điểm thì sẽ khả thi, bởi kinh phí không nhiều.

Cũng theo ông Hùng, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới là một trong những chính sách chính đáng để giảm ô nhiễm, song hành với sự khuyến khích giảm phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Việc hỗ trợ người dân cần được làm từng bước, có thể hỗ trợ thêm bằng thuế, phí, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình này, từ đó khuyến khích họ sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

Nhìn vào thực tế tại TP Hồ Chí Minh, dù số người đến thực hiện kiểm tra khí thải vượt kế hoạch, nhưng lại không có nhiều chủ xe máy cũ, nát đến kiểm tra, mà chủ yếu vẫn là các phương tiện còn mới. Không ít chuyên gia cho rằng, cần có các biện pháp tuyên truyền hữu hiệu hơn để có thể thu hồi được xe máy cũ.

Với chương trình thí điểm tại Hà Nội, thạc sĩ Trịnh Thị Bích Thủy, chuyên gia tư vấn môi trường và phát triển bền vững, nêu quan điểm: Do số lượng xe máy cũ quá lớn, nếu chỉ đổi 5.000 chiếc cũ cũng chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó thành phố khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, vì thế nên ưu tiên đổi sang những dòng xe thân thiện với môi trường như xe điện.

Bàn về tương lai của chương trình sau bước thí điểm, PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nêu ý kiến: Kinh phí cho thí điểm thì ít, nhưng nếu triển khai đại trà, nguồn chi phí khổng lồ sẽ lấy ở đâu? Hơn nữa, cũng cần quan tâm đến việc vận động nhân dân. Có những người có phương tiện cũ nhưng bản thân họ không muốn đổi hoặc chưa có điều kiện đổi thì phải vận động, hỗ trợ hợp lý.

Những nỗ lực kiểm soát tốt hơn nguồn khí thải từ xe máy cũ, nát là vấn đề cần được chú trọng và triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, để các chương trình nói trên tránh đi vào vết xe đổ của nhiều kế hoạch, chương trình trước đó, đòi hỏi sự quyết tâm và đồng thuận từ phía các cơ quan chức năng và người dân. Muốn vậy, trước hết cần bắt đầu từ giải quyết thỏa đáng những quan ngại mà giới chuyên gia và cộng đồng đặt ra đối với cả hai chương trình này.

DIÊN KHÁNH