Vải Lục Ngạn đến xứ Phù Tang

Ngày 18-6 vừa qua, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thu mua vải thiều của người dân xã Tân Sơn và Hộ Đáp (Lục Ngạn, Bắc Giang) để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Kiểm tra khâu đóng gói trước khi những quả vải đầu tiên của Lục Ngạn xuất sang Nhật Bản. Ảnh: Phương Thảo
Kiểm tra khâu đóng gói trước khi những quả vải đầu tiên của Lục Ngạn xuất sang Nhật Bản. Ảnh: Phương Thảo

Đây là chuyến vải thiều đầu tiên trong năm nay của tỉnh Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hai đơn vị nói trên đã thu mua 3,7 tấn vải của các hộ dân thuộc hai xã Tân Sơn và Hộ Đáp với giá 30 nghìn đồng/kg. Ông Lục Văn Bích và Lục Văn Sáng, hai chủ hộ cùng thôn Na Hem (xã Hộ Đáp) vui mừng vì vải được mùa được giá. Vải thiều Lục Ngạn vào được thị trường khó tính như Nhật Bản khiến hai nông dân lạc quan nghĩ đến việc sẽ còn xuất khẩu được đến nhiều thị trường khác nữa.

Ngay từ đầu năm, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã xây dựng ba kịch bản ứng phó với những tác động từ dịch Covid-19 trong việc tiêu thụ sản vật có thương hiệu lâu năm của tỉnh, từ đó có phương án ứng phó kịp thời. Những năm qua, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a... Việc vải tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho thấy những nỗ lực của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương… Cũng nhờ thế, nông thôn mới ở Lục Ngạn ngày càng được xây dựng bền vững hơn, thu nhập của người nông dân được nâng cao từng ngày. Mỗi mùa thu hoạch, từ các xóm, ngõ đến đường lớn, không khí mua bán, trao đổi, chuyên chở quả vải trở nên vô cùng sôi động.

Việc trồng vải tưởng đơn giản nhưng thật ra phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt thì mới có thể xuất khẩu. Toàn bộ diện tích vải được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản, bảo đảm đúng quy trình sản xuất GlobalGAP và thường xuyên có chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, đánh giá, khảo sát quy trình sản xuất. Sau khi thu mua vải, toàn bộ sản phẩm được xông hơi, khử trùng, sơ chế, làm khô, đóng hộp, đưa vào bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn); sau đó vận chuyển sang Nhật Bản. Từ nay đến cuối vụ, Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, trong những ngày tới, các đơn vị như Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ sẽ tiếp tục thu mua vải thiều để xuất sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và Ô-xtrây-li-a.

Có được chất lượng quả vải tốt là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn của tỉnh với chính quyền địa phương và các hộ trong vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu. Phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn cũng đang tích cực chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn của tỉnh và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất trong quá trình thu mua vải tại các mã vùng trồng.

Hiện nay, riêng huyện Lục Ngạn duy trì 15.290 héc-ta vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000 héc-ta, vải thiều chính vụ khoảng 13.290 héc-ta. Dự báo sản lượng vải thiều đạt hơn 85.000 tấn, trong đó vải sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn, vải chính vụ khoảng 65.000 tấn. Diện tích vải sản xuất theo quy trình VietGAP là 11.000 héc-ta, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 100 héc-ta. Năm nay, UBND huyện cũng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp 18 số cho 99 hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với diện tích 98 héc-ta, dự kiến sản lượng đạt hơn 900 nghìn tấn.

Trong tình huống dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, huyện Lục Ngạn còn chú trọng khai thác thị trường nội địa, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị lớn, sấy khô, bảo quản lạnh, ép nước... Cùng đó, xây dựng phương án đón, phòng dịch đối với thương nhân người nước ngoài đến huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải thiều.

Người nông dân Lục Ngạn mong muốn, ngoài cây vải, người dân có thể phát triển cây bưởi, cam cho năng suất cao, nâng cao hơn nữa thu nhập bình quân của người dân, giúp giảm nghèo bền vững. Từ đó nhiều xã hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới.