Ðưa huyết tương vào điều trị - còn khó!

Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới vẫn đang loay hoay thử nghiệm nhiều loại thuốc khác nhau điều trị bệnh Covid-19. Bởi vậy, việc sử dụng huyết tương người đã khỏi bệnh để điều trị cho người cùng mắc căn bệnh này đang được kỳ vọng là phương pháp hiệu quả, trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch còn nhiều cam go và phức tạp.

Triển vọng mới

Mới đây, trong thông báo phát đi ngày 23-8 của Tiểu ban Ðiều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia đang cân nhắc dùng huyết tương điều trị cho một bệnh nhân 27 tuổi có tình trạng các chỉ số miễn dịch xấu đi.

Dù phương pháp điều trị mới này từng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ sự thận trọng, song tại nhiều quốc gia, vẫn được tiến hành. Ðơn cử tại Mỹ, đã có hàng chục nghìn bệnh nhân được sử dụng phương pháp truyền huyết tương và với những bệnh nhân được truyền ở ngày thứ 10 trở lại tính từ khi được phát hiện bệnh, đặc biệt là truyền ở ngày thứ ba trở lại (càng sớm càng tốt) đạt hiệu quả đáng kể, giảm được tỷ lệ tử vong. Ở Trung Quốc và một số nước châu Âu đang thực hiện việc lấy huyết tương người khỏi bệnh Covid-19 để điều trị người mắc, hiệu quả đều đáng khích lệ.

Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu cấp bộ về thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới có tên "Ðánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi". Là người điều phối chính của dự án, TS, BS Văn Ðình Tráng - phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, phương pháp dùng huyết tương của người hồi phục để chữa bệnh đã từng được dùng để ngăn chặn bùng phát của các dịch bệnh gây ra bởi virus như: SARS, sởi, quai bị, cúm… Trong dịch bệnh Covid-19 lần này, việc điều trị cho bệnh nhân cũng dựa trên nguyên lý là lấy huyết tương của người nhiễm Covid-19 đã hồi phục để truyền cho bệnh nhân đang điều trị ở thể trung bình, nặng và nghiêm trọng. Người bệnh sẽ được cung cấp kháng thể để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 khi tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục.

Tuy vậy, TS Tráng cho biết, những người hiến tặng huyết tương phải đáp ứng đủ điều kiện nghiêm ngặt như từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Thêm nữa, ngoài các tiêu chuẩn về tuổi, cân nặng, loại trừ các bệnh lây, người hiến huyết tương nếu trước đây đã mang thai thì chỉ mới mang thai một lần, nếu không cũng không thể hiến tặng. "Sau khi bác sĩ lấy huyết tương, người hiến tặng sẽ được truyền dung dịch huyết thanh sinh lý giúp bảo đảm sức khỏe. Ðây là việc làm rất ý nghĩa, trao cho người bệnh cơ hội được chữa khỏi", Tiến sĩ Tráng nhấn mạnh.

Vì sao chưa tiến hành ngay?

Chuyên gia Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chủng virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền là chủng đã biến đổi gen, nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tiến công vào tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể, những trường hợp bệnh nhân có bệnh nền (ung thư, suy thận, tiểu đường, huyết áp) và cao tuổi thì nguy cơ biến chứng càng cao. Chính vì vậy, trong lần cập nhật thứ tư của phác đồ điều trị, Bộ Y tế công bố hồi đầu tháng 8, lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương lấy từ những người bệnh Covid-19 đã khỏi và có đủ tiêu chuẩn để điều trị cho người bệnh nặng. Những người bệnh đã khỏi được tuyển chọn từ 373 bệnh nhân Covid-19 giai đoạn trước.

Nhiều chuyên gia nhận định, phương pháp sử dụng huyết tương chứa kháng thể của người đã hồi phục sẽ là niềm hy vọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Theo một số chuyên gia là thành viên nhóm nghiên cứu, sử dụng liệu pháp này là đúng, song hành trình vẫn còn gian nan. Lý do, khởi động từ ngày 3-8 nhưng đến ngày 25-8, nhóm nghiên cứu mới xét nghiệm đánh giá 16 người tình nguyện hiến tặng huyết tương và mới lấy được huyết tương của bốn người. Mỗi người hiến tặng, nhóm đã nhận 2-3 khối huyết tương/người, tức ít nhất là 500 ml, có người hiến nhiều hơn. Ở nước ta, tuy đã có hàng trăm bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh nhưng khó khăn ở chỗ, có người còn e ngại hiến tặng, có người mắc bệnh từ tháng 3-2020 và đến nay khi xét nghiệm không còn kháng thể.

Ðược biết, việc sử dụng huyết tương điều trị cho bệnh nhân bị viêm đa rễ thần kinh, bị gan và nhiều bệnh lý khác đã được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, sử dụng huyết tương của người bệnh Covid-19 đã khỏi để điều trị cho người đang bị bệnh, mức độ bệnh từ trung bình trở lên lại là lần đầu áp dụng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu rất cẩn trọng trong lựa chọn người hiến, người nhận. Cơ hội sử dụng huyết tương điều trị như vậy là không nhiều, nhưng qua thực tế các nước đã áp dụng phương pháp này cho thấy, có hiệu quả rất đáng kể. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu của Việt Nam cũng hy vọng và đang cân nhắc kỹ những ca bệnh đầu tiên được áp dụng phương pháp này.

Trong bối cảnh số bệnh nhân Covid-19 bị nặng và có biến chuyển nặng tăng cao, việc có thêm một phương pháp điều trị hiệu quả càng trở nên cấp bách. Theo quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, phải sáu tháng cuối năm 2021 Việt Nam mới có thể tiếp cận được vắc-xin. Như vậy, giai đoạn trước mắt, huyết tương có thể là phương pháp giúp mang lại hiệu quả điều trị như mong đợi.