Đổi mới giáo dục đại học

Tự chủ phải gắn với kiểm định chất lượng

Năm 2020 đi qua với rất nhiều sự kiện xen lẫn sự cố: thiên tai hoành hành, dịch Covid-19 bùng phát và còn diễn biến phức tạp. Lĩnh vực giáo dục tuy chịu ảnh hưởng nặng nề và bộc lộ rõ hơn những “lỗ hổng”; song cũng qua đó, bằng các giải pháp nỗ lực ứng phó lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là trong công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) và tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Giờ học thực hành của sinh viên Trường đại học Y Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Giờ học thực hành của sinh viên Trường đại học Y Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo Giáo dục - VEC 2020, với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Tập hợp được hơn một nghìn trang kỷ yếu, các tham luận của nhiều chuyên gia đầu ngành tập trung bám sát chủ đề trọng tâm với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; mối quan hệ giữa trường đại học với cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng như giữa các thiết chế quyền lực nội bộ nhà trường; trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH, và đặc biệt là về vấn đề tài chính, sở hữu của cơ sở GDĐH công lập trong thực hiện tự chủ.

Đề cập việc áp dụng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi năm 2018), sau hơn một năm có hiệu lực, TS Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - nhấn mạnh: Phải bảo vệ kiên quyết chủ trương tự chủ đại học và những vấn đề có tính nguyên tắc, cốt lõi của tự chủ như  tự chủ đầy đủ cả bốn mặt về chương trình, nhân sự, tài chính và quản trị. Trong đó, việc tự chủ chương trình là quan trọng nhất và chi phối các mặt tự chủ kia; quyền tự chủ được giao cho tập thể hội đồng trường (chứ không phải cho cá nhân hiệu trưởng hay bí thư) và hội đồng ấy được hình thành trên cơ sở bầu chọn theo cơ cấu thành phần do pháp luật quy định; không còn cơ quan chủ quản từ khu vực hành chính như lâu nay; hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định chọn hiệu trưởng; tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch thông tin. 

Về trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH, điều trước đây nhiều chuyên gia cho rằng còn khá mơ hồ, nay đã được pháp điển hóa tại khoản 17 Điều 1 Luật GDĐH hiện hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, cụ thể: Giải trình về chất lượng hoạt động, công khai báo cáo hằng năm về các chỉ số kết quả hoạt động; giải trình về mức lương, thưởng và quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, kiểm toán đầu tư và mua sắm, công khai trung thực báo cáo tài chính hằng năm và các nội dung, hình thức giải trình khác theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy: Nhu cầu về một hình thức kiểm soát xã hội đối với các trường đại học tự chủ ngày càng tăng, trong khi các cơ sở GDĐH thời gian qua cũng đang thể hiện thông tin và trách nhiệm của nhà trường rõ ràng hơn trên các trang web có cấu trúc khác nhau và trong các báo cáo của họ. Câu hỏi đặt ra là ai có đủ điều kiện và khả năng đọc, phân tích và phán đoán các báo cáo này, cũng như ai có thể thực hiện chức năng giám sát này một cách hiệu quả để đáp ứng yêu cầu (cho đến nay là khá trừu tượng) của xã hội? 

GS Đặng Ứng Vận (Trường đại học Hòa Bình) phân tích: Trong bối cảnh đó, về mặt xã hội, KĐCL bởi một tổ chức độc lập trở thành một lựa chọn để thực hiện giám sát trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH tự chủ. KĐCL là khâu cuối cùng trong quy trình bảo đảm chất lượng bao gồm xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và KĐCL. Tiêu chuẩn KĐCL phải công khai, không phải là những câu hỏi đánh đố, vậy nên các cơ sở giáo dục chỉ có thể đăng ký kiểm định khi đã tự đánh giá đạt tiêu chuẩn. Đồng tình quan điểm này, với tư cách chuyên gia về KĐCL, TS Tạ Thị Thu Hiền (Trường đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) làm rõ: “KĐCL sẽ buộc các trường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, giúp các trường từng bước nâng cao tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm để có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về các quyết định này trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ cộng đồng và tài chính”.

Không cần bàn cãi, vai trò của tổ chức KĐCL GDĐH là rất quan trọng. Dù vậy có thể thấy, ở nước ta, hệ thống này tuy đã được hình thành và phát triển, nhưng tính độc lập lại chưa thật sự rõ ràng. Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần, một số chuyên gia có chung quan điểm: Cần sớm bổ sung, điều chỉnh và ban hành một mô hình khung về tổ chức và hoạt động của các tổ chức KĐCL GDĐH nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt động kiểm định, thúc đẩy việc thực hiện tự chủ đại học đạt hiệu quả cao hơn, từ đó tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao - một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ.