Trăn trở với những tâm nguyện cũ

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20-5 tới đây, chính là kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong số hàng nghìn kiến nghị mới của kỳ này, vẫn còn nhiều kiến nghị không mới, cho thấy việc giải quyết chưa được căn cơ, triệt để.

 Ðã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi đối với xã đảo, nhưng đề nghị được hưởng chế độ hỗ trợ diện xã đảo của cử tri lại chưa được đề cập đến. Ảnh: NGỌC MAI
Ðã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi đối với xã đảo, nhưng đề nghị được hưởng chế độ hỗ trợ diện xã đảo của cử tri lại chưa được đề cập đến. Ảnh: NGỌC MAI

Hơn 2.000 kiến nghị được xem xét, giải quyết

Báo cáo về tình hình giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp trước, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, sau khi tổng hợp và lọc những kiến nghị trùng nội dung, còn lại hơn 2.100 kiến nghị của cử tri. Ðến nay đã có 2.008 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định, đạt 95,53% tổng số kiến nghị đã chuyển.

"Mặc dù trong thời gian qua phải tập trung thời gian, nhân lực, vật lực để xử lý, giải quyết những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, nhưng Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực, khẩn trương chỉ đạo giải quyết, trả lời một khối lượng rất lớn kiến nghị", bà Nguyễn Thanh Hải khái quát. Một số bộ, ngành được ghi nhận đã trả lời nhanh chóng, đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (146/146), Bộ Y tế (139/139), Bộ Công thương (70/70)... Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ, ngành xem xét, giải quyết kịp thời - Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, thông qua những thí dụ rất cụ thể. Ðặc biệt, một số vướng mắc liên quan nhiều địa phương, nhiều người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết xong. Có thể kể đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với hoạt động của ta-xi công nghệ; việc thống nhất giữa các bộ trong công tác quản lý, bảo trì đối với 4.700 km quốc lộ đi qua 42 địa phương…

Việc tiếp thu kiến nghị cử tri trong rà soát sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật về mức xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực đã được các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình nên nhiều vi phạm đã được xử lý kịp thời, đủ sức răn đe, được người dân đồng tình ủng hộ.

Ðừng trả lời… cho có

Mặc dù đã có hơn 95% số kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước được giải quyết, thì Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, tại kỳ họp này vẫn còn tới hàng nghìn kiến nghị được gửi tới các cơ quan có trách nhiệm. Nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cuộc sống vận động, những vấn đề mới không ngừng phát sinh, vì thế, việc có thêm hàng nghìn kiến nghị mới cũng là điều dễ hiểu. Ðiều đáng nói là vẫn còn đó những kiến nghị không mới, cho thấy việc giải quyết trước đây chưa căn cơ, triệt để. Một số văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ, do đó cử tri tiếp tục kiến nghị.

Chẳng hạn, theo phản ánh của cử tri tỉnh Bình Ðịnh sau hơn bốn năm được công nhận là xã đảo thì chính quyền và nhân dân xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn vẫn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào của diện xã đảo. Trả lời cử tri, Văn bản số 55/BNV-CQÐP ngày 6-1-2020 của Bộ Nội vụ nêu, Bộ và các bộ, ngành trung ương đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi đối với xã đảo và Bộ đã liệt kê một số chính sách ưu đãi đã được ban hành. Tuy nhiên, đề nghị được hưởng chế độ hỗ trợ diện xã đảo của cử tri thì lại không hề được đề cập đến.

Một thí dụ khác, việc cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc tính toán, chi trả sai lương hưu dẫn đến phải điều chỉnh và thu hồi lương hưu đối với hàng nghìn giáo viên mầm non đã nghỉ hưu trước năm 1998 tại tỉnh Thái Bình. Tại Văn bản số 57/BHXH-CSXH ngày 7-1-2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Bình, BHXH Việt Nam chỉ cho biết, sai phạm trong tính toán chi trả tiền lương hưu đối với một số giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Bình là có và hiện BHXH đang khắc phục hậu quả, tuy nhiên, không hề làm rõ trách nhiệm về kết quả xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có sai phạm…

Ðiển hình cho việc thiếu sự kết nối giữa các bộ, ngành trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực đó là việc giải quyết chế độ BHXH đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự, công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại cấp xã đã đóng BHXH bắt buộc nhưng khi nghỉ hưu không được tính thời gian đóng BHXH (vấn đề do cử tri Ninh Bình phát hiện, kiến nghị đã bốn năm qua, từ năm 2016). Ðây là vấn đề có liên quan đến một số lượng lớn lao động (khoảng 10.000 người), đã được UBTVQH phân tích và yêu cầu giải quyết trong báo cáo giám sát kỳ trước. Tuy nhiên, suốt bảy tháng qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được, nên hàng chục nghìn người chưa được hưởng đủ chế độ vẫn tiếp tục phải chờ đợi…

Ðó là chưa kể một số kiến nghị đã được các bộ, ngành tiếp thu, triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao nên cử tri tiếp tục có kiến nghị, trong đó có việc giải quyết kiến nghị của cử tri về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội; việc thu phí điện tử tự động không dừng, hay tiến độ và chất lượng một số dự án giao thông trọng điểm quốc gia tiếp tục chậm trễ, gây lãng phí và thiệt hại cho ngân sách nhà nước…

Vì lẽ đó, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị có cái nhìn tổng quan hơn, sâu sắc hơn về vấn đề này. So sánh năm 2019 với năm 2018, số đơn thư, kiến nghị trong từng lĩnh vực tăng hay giảm, đã được giải quyết như thế nào, chất lượng giải quyết có bảo đảm đúng pháp luật, hợp lý hợp tình hay không, vai trò của các Ðoàn Ðại biểu Quốc hội như thế này hay chỉ đơn thuần là "người đưa thư"… Những câu hỏi này đều cần được làm rõ, tất nhiên là đồng thời với việc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng cán bộ tiếp nhận kiến nghị cử tri nói riêng và đội ngũ cán bộ nhà nước nói chung.

Một tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục, đó là công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn chậm.