Thúc đẩy việc làm những tháng cuối năm

Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực tạo việc làm, nhất là cho nhóm lao động yếm thế đã và đang chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19, bị giảm sâu thu nhập.

Tư vấn thông tin, việc làm cho bạn trẻ tại Hà Nội.
Tư vấn thông tin, việc làm cho bạn trẻ tại Hà Nội.

Dạy nghề cho người yếm thế

Nhiều chuyên gia có chung quan điểm, nhóm lao động yếm thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh và có thể “về số 0” khi mất đi sinh kế. Những tháng qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có chính sách hỗ trợ song đời sống của họ vẫn vô cùng khó khăn. Một trong những nỗ lực là việc dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, người khuyết tật… đã được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm. Ngày 21-8 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH) cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục nghề nghiệp. Dự án được triển khai sẽ góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ được ưu tiên là phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động.

Đánh giá về tính cấp thiết của dự án, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng mặc dù theo dự kiến dự án chỉ góp phần giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 2.000 - 2.500 người thuộc nhóm người yếm thế - một con số không lớn so với số lượng người yếm thế ở Việt Nam nhưng có ý nghĩa quan trọng. Việc dạy nghề để người lao động (NLĐ) thuộc nhóm yếm thế có thể có sinh kế lâu dài là vô cùng cần thiết. Dự án với sự giúp đỡ của KOICA sẽ là tiền đề và kinh nghiệm để có thể hỗ trợ, dạy nghề cho nhiều người thuộc nhóm lao động yếm thế hơn.

Người khuyết tật (NKT) là một phần của nhóm yếm thế, nhưng con số lại rất lớn, với 6,2 triệu người. Theo Ủy ban Quốc gia về NKT, có khoảng gần 2 triệu NKT trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 30% đang tham gia lao động, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Cũng chỉ có khoảng 10% số NKT đã được đào tạo nghề ở các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng, vì vậy, số NKT tìm được việc làm còn ít. Ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA, nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng là việc hết sức quan trọng, trong đó đào tạo kỹ năng tay nghề cho đối tượng yếm thế, những người có hoàn cảnh khó khăn là việc làm rất cần thiết. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và KOICA đáp ứng được yêu cầu đó.

Từ “giữ” việc đến tăng nguồn việc

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực, cố gắng để duy trì việc làm cho công nhân, như tổ chức lao động luân phiên, chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ trong sản xuất kinh doanh để có được việc làm cho NLĐ, giúp duy trì được thu thập... Nhiều nỗ lực để hỗ trợ DN, NLĐ cũng được tiến hành. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số NLĐ đã được hỗ trợ là 724.528 người với kinh phí hơn 725 tỷ đồng. Có 628.533 NLĐ không có giao kết hợp đồng, người yếm thế bị mất việc, đã được hỗ trợ với tổng kinh phí là 617,7 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy việc làm cho những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 rất cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An chia sẻ: “Để phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, chúng tôi chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương với các DN; giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để ký kết thỏa thuận trong đào tạo và tuyển dụng”.

Trong bối cảnh hiện nay, các DN cần thay đổi phương thức tìm kiếm đối tác, thỏa thuận và ký hợp đồng. Cũng nên giới thiệu sản phẩm, chào hàng, ký hợp đồng qua internet để bớt các khâu trung gian và đáp ứng yêu cầu khi nhiều quốc gia đang hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, DN cần tận dụng khoảng thời gian này để đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ nhằm tăng năng suất.

Theo nhiều chuyên gia, để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm, Bộ Công thương cũng nên thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai những hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại những thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhằm ứng phó tình hình hiện nay cũng như duy trì việc làm, các DN cần chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể, tập trung vào một số mặt hàng có khả năng tiêu thụ cao, chủ động tìm kiếm đối tác, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng tăng cao ở một số thị trường quan trọng trong các dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, quý IV - 2020, địa bàn cần khoảng 62.000 đến 65.000 chỗ làm, nhiều DN bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm, do đó cần có sự kết nối để NLĐ và DN “gặp” nhau.