Thiên tai khốc liệt, dị thường vẫn còn tiếp diễn

Cơn bão số 9 là hình thái thiên tai khốc liệt nhất đổ bộ vào nước ta từ đầu năm 2020 đến nay, sau hàng loạt loại hình thời tiết cực đoan như các đợt rét đậm, mưa đá diện rộng, nắng nóng kỷ lục, lũ chồng lũ, bão chồng bão gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Liệu thiên tai dị thường còn tiếp diễn trong thời gian tới?

Nhiều tàu thuyền của người dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị bão số 9 làm hư hỏng, thiệt hại lớn. Ảnh: TÂM TRAI
Nhiều tàu thuyền của người dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị bão số 9 làm hư hỏng, thiệt hại lớn. Ảnh: TÂM TRAI

Thời tiết cực đoan còn tiếp diễn

Nhận định về diễn biến của thời tiết, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thời tiết cực đoan ở nước ta còn diễn biến rất phức tạp. Dự báo, từ nay tới hết năm 2020, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 3 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có 2 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam. Trong các tháng đầu năm 2021, vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. 

Ông Hưởng cũng khuyến cáo, người dân cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, là các tháng 10 và 11. Ngư dân lao động trên biển cần đề phòng gió mạnh do tác động gió mùa tây nam ở vùng biển phía nam Biển Đông; gió đông bắc của không khí lạnh trên khu vực phía bắc và giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020 - 2021. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo trong những tháng mùa khô 2020 - 2021, nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa; xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ sớm và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. 

Dẫn theo dữ liệu từ tám mô hình khí tượng khác, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai cho biết, nhiệt độ trung bình bề mặt biển khu vực đường xích đạo và dưới đường xích đạo của đông Thái Bình Dương cho thấy, nhiệt độ đang đi xuống thấp tiệm cận với mức thấp hơn 1 - 1,5  độ C so trung bình chung nhiều năm. Thời đoạn nhiệt độ bề mặt biển thấp này từ tháng 10 đến tháng 12-2020. Điều này có nghĩa là La Nina sẽ chi phối mạnh mẽ đến thời tiết khu vực Thái Bình Dương và các lục địa lân cận trong giai đoạn này dẫn đến xu hướng thời tiết cực đoan gia tăng. Ngoài ra, cập nhật dữ liệu của hệ thống trung tâm nghiên cứu quốc tế về khí hậu, thấy rằng mưa tháng 10 mới chỉ mới là sự khởi đầu cực đoan của thời tiết năm nay. Trong tháng 11 và tháng 12, mưa cực đoan sẽ xảy ra nhiều ở khu vực Trung Bộ và dịch chuyển dần về Nam Trung Bộ.

Ứng phó nguy cơ, tránh bị động

Chia sẻ về những kinh nghiệm ứng phó, TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, trong chống bão phải ưu tiên bảo vệ con người trước. Từ các cơn bão trước đây cho thấy khi bão từ cấp 12 trở lên thì những ngôi nhà cấp bốn lợp tôn, mái ngói không an toàn trong bão, người dân nên sơ tán tại chỗ đến nhà kiên cố, hai tầng trở lên để tránh bão. “Khi xảy ra lũ lụt thì người dân còn có thể ngồi trên mái nhà chờ 1-2 ngày có người đến cứu hộ, nhưng với bão vào chỉ 1-2 giờ đồng hồ, nguyên tắc đội cứu hộ cũng không được phép ra ngoài khi bão lớn đang xảy ra nên việc sơ tán trước thiên tai là quan trọng nhất và người dân không được chủ quan”, ông Huy nhấn mạnh.

Việc triển khai hỗ trợ ứng phó trước bão rất quan trọng. Điều này cần các đội tình nguyện, thiện nguyện và ca-nô xung kích triển khai nhanh giúp dân thu hoạch, giải cứu nông, hải sản, tìm đến nhà cao, chuẩn bị đồ ăn thức uống đủ trong hai ngày trở lên ở những nơi tránh trú an toàn. Với những nhà cấp bốn yếu, hãy giúp nhau chèn bao cát, bịch nước lên mái, giằng chống bằng dây neo thép để bảo vệ, đóng kín cửa sổ, bịt kín ô thoáng, sơ tán đồ đạc có giá trị. Hãy áp dụng “vườn không, nhà trống” để đón những cơn bão lớn.

Chính quyền các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai nên lập kế hoạch sơ tán người dân khỏi vùng xung yếu, vùng thấp trũng và sơ tán ra khỏi những căn nhà yếu, tránh để xảy ra tình trạng quá lúng túng như việc ứng phó lũ lụt vừa qua ở một số tỉnh. Ưu tiên sơ tán tại chỗ (nghĩa là sơ tán tới những nhà cao tầng trong cùng một thôn, xã). Do vậy, thay vì việc đưa người sơ tán đến khu tập trung thì nên làm công tác dân vận, cấp nhu yếu phẩm về các nhà kiên cố, cao tầng trong các khu dân cư ở cả khu vực đô thị và nông thôn, hỗ trợ người khuyết tật và người thuê trọ.

TS Nguyễn Ngọc Huy lưu ý, sau bão cần cảnh giác với lũ lụt, sạt lở đất. Người dân tuyệt đối không cố cứu tài sản khi nước lũ đang dâng. Phòng sạt lở, những ngôi nhà ở gần các sườn đồi, có ta-luy dương và ta-luy âm cần cảnh giác và đánh giá nhanh nguy cơ sạt lở. Nếu đánh giá có nguy cơ sạt lở cao thì những người ở trong các ngôi nhà này cần sơ tán tạm đến chỗ cao và bằng phẳng.

Điều vô cùng quan trọng là trong thiên tai rất cần sự tương trợ lẫn nhau, nhất là với những người hàng xóm sống gần nhau. Một khía cạnh quan trọng khác mà ông Huy lưu ý rằng, khi tránh bão nên quan tâm đến vai trò của phụ nữ. Họ có những nhu cầu đặc thù, nếu không có sự chuẩn bị khi thiên tai hoặc sau thiên tai họ có thể thành nhóm dễ bị tổn thương hơn nam giới.