Tập trung nguồn lực cho giao thông công cộng của Hà Nội

Cùng hàng loạt các chính sách ưu đãi để thu hút người dân tham gia các phương tiện công cộng, trong thời gian qua, TP Hà Nội đã, đang tập trung các nguồn lực để đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm khơi thông nguồn lực cho vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông.
Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Hà Nội trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) để hạn chế ùn tắc giao thông trong điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế. Liên tục trong nhiều năm, Hà Nội đã tập trung xây dựng và triển khai các đề án về: Tăng cường quản lý phương tiện giao thông; quy hoạch giao thông tĩnh; phát triển vận tải công cộng (VTCC), nhất là vận tải khối lớn. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện, mở rộng mạng lưới phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến: 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia, từng bước giảm bớt phương tiện cá nhân.

Việc triển khai các dự án giao thông đường bộ do phải thỏa thuận với nhiều bộ, ngành, tác động tới nhiều người dân... nên vẫn còn chậm; phương tiện cá nhân tăng nhanh, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp như triển khai sớm các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trật tự giao thông; tuyên truyền, vận động để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra... hoàn thiện, xây dựng nâng cao chất lượng VTCC bằng xe buýt để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu hành khách công cộng đến năm 2020 hơn 20%.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, với xe buýt, TP Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. TP Hà Nội lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt gần 10 tuyến phố. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô-tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện VTCC khối lượng lớn như buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị… Ngoài xe buýt truyền thống, hiện VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đã có thêm các loại hình xe buýt nhanh, xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG, và từ năm 2021 sẽ có thêm loại hình xe buýt điện...

Thành phố cũng đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND thành phố Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn trên địa bàn thành phố. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Nghị quyết này mở rộng đối tượng được miễn phí tới người cao tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Theo thống kê, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 700 nghìn người cao tuổi và 64 nghìn nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Các đối tượng ưu tiên được giảm phí cũng mở rộng hơn. Nếu như trước đây chỉ có người có hộ khẩu trên địa bàn Hà Nội mới được ưu tiên thì nay người ngoại tỉnh chỉ cần có xác nhận thường xuyên đi lại trên địa bàn Thủ đô cũng được cấp thẻ. Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu kể từ khi các tuyến đường sắt đô thị bắt đầu khai thác vận hành thương mại.

Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường, bến bãi, bảo hiểm hành khách thu hộ đối với các phương tiện VTHKCC khối lượng lớn; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động VTHKCC khối lượng lớn đối với các thiết bị, phương tiện trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng VTHKCC khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch…

Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô-tô và các phương tiện cơ giới khác. Các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm (cụ thể theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Còn các dự án bến xe, điểm trung chuyển, trung tâm tiếp vận đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 20% tổng diện tích đất của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ hỗ trợ...

Với quyết tâm cao cùng những quyết sách cụ thể như vậy, hy vọng TP Hà Nội sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển VTHKCC đạt hiệu quả cao hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.