Tăng kết nối xe buýt, nâng cao hiệu quả đường sắt đô thị

Sau rất nhiều lần lỗi hẹn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được các cơ quan chức năng rốt ráo chuẩn bị chạy thử lại dự kiến trong tháng 12-2020 và bàn giao cho TP Hà Nội để vận hành trong năm 2021. Cùng với việc chuẩn bị nhân lực bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối, TP Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng các phương án để nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khi đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) này. Trong đó, việc tổ chức điều chỉnh, kết nối các tuyến xe buýt với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được đánh giá là một giải pháp quan trọng hàng đầu để thu hút người dân tham gia.

Các tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với các nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: HUY HÙNG
Các tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với các nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: HUY HÙNG

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, việc tổ chức kết nối buýt theo phương án sẽ tạo điều kiện cho hành khách di chuyển thuận tiện từ các nhà ga tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố, cũng như giúp giảm phương tiện cá nhân, xe buýt vào từ cửa ngõ tây nam thành phố, từ đó giảm áp lực giao thông. “Xe buýt phải trở thành phương tiện gom khách đưa đến các tuyến ĐSĐT để bảo đảm số lượng hành khách đi và đến. Tôi lấy thí dụ như ở Xin-ga-po, cứ hai phút có một chuyến ĐSĐT, lượng khách đi và về rất lớn. Chỉ có xe buýt mới có thể kết nối tuyến ĐSĐT với các khu dân cư để giải tỏa khách”, ông Bùi Danh Liên phân tích. Ông cũng lưu ý, đơn vị chức năng cần cải tạo cơ sở hạ tầng để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất, thuận tiện nhất; xây dựng nhà ga đủ rộng để xe buýt ra vào đón khách; quãng đường và mật độ xe buýt cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp.

Số liệu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội dự báo, có khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng ĐSĐT. Do đó, việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, năng lực vận chuyển của hệ thống VTHKCC tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở) tăng từ 3 - 4 lần so với hiện nay, đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, hiện nay dọc hành lang tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có 43 tuyến buýt đang hoạt động, các tuyến buýt này chiếm khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt tại Hà Nội. Với tuyến quốc lộ 6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có năm tuyến buýt chạy trùng với ĐSĐT nên sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể như, điều chỉnh bốn tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 02, 21, 27 và 33), duy trì hoạt động của tuyến buýt 01; điều chỉnh các tuyến tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến ĐSĐT; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau điều chỉnh, tại Ga Cát Linh sẽ có bảy tuyến buýt kết nối, tại bến xe Yên Nghĩa sẽ có 11 tuyến buýt kết nối. Tại các ga khác sẽ có từ hai tuyến buýt trở lên để kết nối, trung chuyển hành khách với ĐSĐT.  

Để hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga, trên dọc hành trình của tuyến ĐSĐT số 2A, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cũng lên phương án kết nối các tuyến buýt với ĐSĐT. Cụ thể, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga ĐSĐT. “Đề xuất tổ chức phân tách khu vực cho xe buýt hoạt động tại các nhà ga để hạn chế tối đa tình trạng các phương tiện khác chiếm dụng, cản trở xe buýt tiếp cận dừng đón trả khách tại các nhà ga”, ông Hải thông tin.

Tại ga bến xe Yên Nghĩa, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ mở thêm cổng cho người đi bộ, kết nối trực tiếp nhà ga với quảng trường dành cho xe buýt của bến xe Yên Nghĩa để giảm thời gian đi bộ của hành khách trung chuyển giữa ĐSĐT và xe buýt. Ngoài ra, các tuyến buýt kết nối với ĐSĐT được dán thêm ký hiệu chỉ dẫn là tuyến đi đến các ga ĐSĐT để nhân dân tiện sử dụng.

Để thu hút người dân lựa chọn phương tiện vận tải công cộng, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho rằng, Trung tâm đang khẩn trương hoàn thiện Đề án rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình VTHKCC khác cũng như giữa các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân. Trong đó, nghiên cứu bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tiếp cận gần các nhà ga ĐSĐT, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200 m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới năm phút) để tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại.