Quyết liệt hành động ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khi mà thành phố Đà Nẵng và một số địa phương đã phát hiện các ca bệnh mới, đáng nói tất cả đều chưa xác định được nguồn lây. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lập tức siết chặt các biện pháp khống chế, ngăn chặn, hành động mạnh mẽ và quyết liệt, không để dịch lan rộng.

Nhân viên y tế phun khử trùng xe chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Sơn
Nhân viên y tế phun khử trùng xe chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Sơn

Mất dấu F0, dịch đã lây lan trong cộng đồng
 
 Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, đợt dịch này khác trước, phức tạp hơn vì đã lây lan trong cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được dấu F0, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, số lượng người trong nhóm nguy cơ cao rất lớn. Hiện tại, nguy cơ lây nhiễm rất cao tại các tỉnh, thành phố chung quanh Đà Nẵng, các địa phương có du lịch biển, và hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tích cực tuyên truyền nêu cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân, không chủ quan để tránh bị “vỡ trận”. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tùy vào hoàn cảnh cụ thể tiến hành áp dụng Chỉ thị 19 về giãn cách xã hội, hoặc Chỉ thị 16 về cách ly xã hội một cách kịp thời khi phát hiện các ổ dịch. Riêng Đà Nẵng thực hiện triệt để Chỉ thị 16 về cách ly xã hội trên phạm vi toàn thành phố để khống chế dịch bệnh.
 
 Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân Covid-19 mới cho thấy, đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây nước ta phát hiện năm chủng SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Ông Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua bốn chu kỳ lây nhiễm.
 
 Phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy, sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch, phần lớn là từ cụm ba cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình. Hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng đã phân luồng điều trị, giải tỏa bệnh nhân, bảo đảm điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh nhiễm Covid-19. Các Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đang tích cực hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng về công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Nhằm giảm tải, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng tại Đà Nẵng, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền, phải chạy thận nhân tạo. Bộ Y tế đã tăng cường các đội cơ động của các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ cho Bệnh viện Trung ương Quảng Nam để sẵn sàng công tác cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.
 
 Đáng lo ngại là, vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại TP Đà Nẵng (trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) với số lượng rất lớn, lên đến hàng vạn người, do vậy các chuyên gia nhận định, những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện thêm ca bệnh mới. TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đang gấp rút triển khai công tác khoanh vùng, điều tra, truy nguồn gốc những người có liên quan đến ca nghi nhiễm này.
 
 Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có thể có khoảng 15.000 - 20.000 người từ Đà Nẵng về, vì thế nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Theo ông Quý, cần ngăn chặn tối đa không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt với khách du lịch từ Đà Nẵng, từ vùng dịch về. Với khách du lịch từ Đà Nẵng về, với F1, F2 theo dõi cách ly theo đúng quy định; với những khu vực Đà Nẵng phong tỏa ở các địa điểm, nếu khách du lịch qua những địa điểm này thì cần cách ly tại nhà, đồng thời tổ chức xét nghiệm, giám sát. Ông Quý cũng yêu cầu siết chặt quy định kiểm dịch tại các khu cách ly tập trung, sắp tới sẽ có thêm các chuyên gia nước ngoài sang, vì thế cần quản lý chặt chẽ. Cùng với đó, phải rà soát, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. Thời gian qua tại Hà Nội đã phát hiện 19 trường hợp nhập cảnh trái phép, rất may tất cả xét nghiệm đều âm tính, đã giao cho công an xử lý.

Quyết liệt hành động ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng -0
Cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa khu vực ngõ 230/26 Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi phát hiện một trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Ninh Phan 


 
 Trong khi đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế công lập, tư nhân để sẵn sàng phòng, chống dịch. Thành phố đề nghị các quận, huyện chủ động rà soát, kiểm tra “đi từng ngõ gõ từng nhà” xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 để áp dụng khai báo y tế. Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường phân luồng, sàng lọc thông qua khai báo y tế để phát hiện người đến từ các địa phương có ca bệnh nhiễm Covid-19, đặc biệt là người có triệu chứng viêm hô hấp cấp, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Các bệnh viện như Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng. Về năng lực xét nghiệm, theo lãnh đạo ngành y tế thành phố, hiện thành phố có thể thực hiện khoảng 2.000 xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 mỗi ngày.
 
 Chủ động kịch bản ứng phó, tăng tốc xét nghiệm
 
 Nhìn nhận đợt dịch Covid-19 mới lần này, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, thời gian vừa qua các địa phương có tâm lý lơ là phòng dịch, tinh thần chống dịch bị “chùng” xuống. Ông Phu cảnh báo, không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương cần duy trì trở lại việc thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt hơn. “Mỗi người dân cũng cần khắc phục tâm lý chủ quan, cần thực hiện khai báo y tế nếu có ho, sốt. Vừa qua, nhiều người đã không thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, các tòa nhà, khu chung cư cũng không còn duy trì nước sát khuẩn tay”, ông Phu nói.
 
 Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng chục điểm ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương khác có người bị lây nhiễm Covid-19. Để sớm phát hiện, khoanh vùng và chặn đà lây nhiễm của đợt dịch lần này, các địa phương cần tăng tốc xét nghiệm cho những người tiếp xúc trực tiếp với F1, xét nghiệm kịp thời hơn, rộng hơn, nhất là những người có biểu hiện sốt, ho trên phạm vi cả nước để tăng cường ngăn chặn bệnh. Các địa phương cần có kịch bản ứng phó dịch bệnh như giai đoạn đầu phòng dịch, trong đó có một số biện pháp như hạn chế đi lại. Yêu cầu quản lý tốt biên giới, đặc biệt tăng cường kiểm soát tốt các trung tâm cách ly. Những nơi công cộng, tập trung đông người, trường học, bến xe cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà-phòng, sát khuẩn. Và không chỉ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà các trung tâm thành phố lớn, đặc biệt các thành phố du lịch ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Thuận… phải có biện pháp chủ động hơn trong phát hiện người bệnh, không để lây nhiễm ra cộng đồng.
 

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác, ngày 27-7, TS Park Kidong, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá, việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội. “Thời gian tới, chúng tôi không ngạc nhiên nếu Việt Nam xuất hiện thêm những ca bệnh mới trong cộng đồng hoặc trở về nước. Điều đó cho thấy hệ thống giám sát đang hoạt động tốt. Công tác truy vết, khoanh vùng, phát hiện hiệu quả. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Việc xuất hiện các ca bệnh từ nước ngoài về, chứng tỏ chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, củng cố niềm tin của người dân với chính quyền”, TS Park Kidong chia sẻ. 

Quyết liệt hành động ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng -0

Cùng với nỗ lực điều trị bệnh nhân trong nước vừa phát hiện, Việt Nam đã đón 219 người từ Ghi-nê Xích đạo trở về (ảnh bên), trong đó có 129 bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, sẽ chủ động ứng phó mọi tình huống. Bệnh viện đã chuẩn bị bảo đảm các giường bệnh cách nhau 2 m. 100% số bệnh nhân thường đang điều trị tại cơ sở Kim Chung, Đông Anh được chuyển tới cơ sở Giải Phóng và cho ra viện. Bệnh viện đã sắp xếp đội ngũ 250 nhân viên y tế và bảo vệ, hậu cần chuyên để phục vụ bệnh nhân Covid-19. 100% số người có mặt tại bệnh viện trong giai đoạn này không được ra ngoài, bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân dương tính chuyển đến.