Nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng

Việt Nam đặt mục tiêu bảo đảm miễn dịch cộng đồng với Covid-19 trong năm 2021, muốn vậy chúng ta cần 150 triệu liều vắc-xin để tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu đang gặp khó khăn, nhiều lô hàng lỗi hẹn đang cản trở tiến độ nói trên.

Tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin NanoCovax tại Học viện Quân y. Ảnh: KHÔI NGUYỄN
Tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin NanoCovax tại Học viện Quân y. Ảnh: KHÔI NGUYỄN

Thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Đã có 811.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên từ COVAX Facility (Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19) về tới Việt Nam hồi đầu tháng 4-2021, được Bộ Y tế điều phối phân bổ để tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố. Dự kiến, hơn 3,3 triệu liều vắc-xin tiếp theo sẽ được cung ứng vào tháng 5 tới. Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều vắc-xin của COVAX Facility (cung cấp miễn phí cho Việt Nam, thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF - mua và cung ứng) sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay, đầu năm sau.

Theo Bộ Y tế, mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vắc-xin tiếp nhận, song COVAX Facility vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vắc-xin đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia, đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, do chậm trễ trong quá trình sản xuất, nên việc giao hàng bị chậm lại tới tất cả quốc gia được COVAX Facility cung cấp vắc-xin, chứ không riêng Việt Nam.

Đối phó tình hình các nguồn cung ứng vắc-xin từ nước ngoài trễ hẹn, Bộ Y tế đã mở ra một hướng đi, đó là cùng với việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc-xin trong nước, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) đã đàm phán với nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga, hiện chờ kế hoạch và thời gian cung ứng vắc-xin Sputnik V. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đàm phán mua vắc-xin Pfizer (Mỹ). Nhà sản xuất dự kiến có thể bán cho Việt Nam 31 triệu liều. Song khó khăn phát sinh chính là vắc-xin Pfizer có yêu cầu bảo quản lạnh sâu, từ âm 80 độ đến âm 60 độ C, trong khi hệ thống dây chuyền lạnh của Việt Nam lại chủ yếu chỉ đáp ứng được việc bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ từ 2 đến âm 8 độ C. Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành y tế, cơ quan này cũng đang đàm phán với Hãng Johnson& Johnson và các nhà sản xuất khác để tìm nguồn cung ứng vắc-xin.

Với nguồn vắc-xin Covid-19 trong nước, theo Bộ trưởng Y tế, nước ta có hai nguồn tiềm năng, khi NanoCovax và Covivac đang thử nghiệm trên người, hy vọng cuối năm 2021 đầu năm 2022 sản phẩm của Việt Nam sẽ được tiêm cho cộng đồng. Đầu tháng 4, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) hoàn thành tiêm mũi hai cho 280 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vắc-xin NanoCovax. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong toàn bộ giai đoạn nghiên cứu đến nay không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp phản ứng nặng sau tiêm, chỉ có một tỷ lệ gặp phản ứng nhẹ như sưng, đỏ, đau vết tiêm và sốt nhẹ. Dự kiến cuối tháng 4, chậm nhất là đầu tháng 5 sẽ có ba đơn vị cùng tham gia thử nghiệm vắc-xin này trên người tình nguyện giai đoạn ba, và nếu suôn sẻ nước ta sẽ có vắc-xin nội sớm hơn.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế thực hiện mua và tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19.

Đẩy mạnh cung ứng, sớm tạo miễn dịch cộng đồng

Hiện nay nhiều nhà dịch tễ học Mỹ cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ tư đã bắt đầu ở quốc gia này do sự xuất hiện của các biến chủng mới trong vài tháng gần đây. Tại Việt Nam, theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đang là một mối lo ngại và càng chứng minh tầm quan trọng của hành động tập thể. Theo đó, ngăn chặn vi-rút thông qua các biện pháp bảo đảm sức khỏe cộng đồng hiện có, cũng như mở rộng sản xuất và triển khai tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể sẽ đóng vai trò tối quan trọng. "Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục quấy phá, các biến chủng đang phát triển mạnh và tạo ra nhiều vi-rút với sức chống chọi tốt hơn. Chúng ta phải thực hiện tiêm chủng cho người dân toàn cầu để tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của những thể đột biến nguy hiểm", Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu hai phần ba dân số được tiêm vắc-xin phòng bệnh, thì nước đó sẽ có miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Nhận định về tình hình, liệu bao giờ Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng? ThS, BS Nguyễn Quốc Thái (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trung bình, một bệnh nhân mắc Covid-19 có thể lây truyền SARS-CoV-2 cho khoảng từ hơn hai đến bốn người. Do đó, với khoảng 60% - 75% người có miễn dịch trong cộng đồng, chúng ta có thể đẩy lùi và kiểm soát được Covid-19 trên toàn bộ quần thể. Tỷ lệ 25 - 40% dân số còn lại sẽ hưởng lợi nhờ miễn dịch người khác đã có. Do đó, bác sĩ Thái cho rằng, vắc-xin là chìa khóa để chúng ta tiến đến đủ số lượng người trong quần thể có miễn dịch, qua đó khống chế, kiểm soát dịch Covid-19. Sở dĩ như vậy là vì sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, cơ thể sẽ sinh ra nhiều kháng thể, ngăn chặn sự hoạt động của các protein nhú gai trên bề mặt SARS-CoV-2.

Ở góc độ khác, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện công cộng (Bộ Y tế) khuyến nghị, khi hơn 70% dân số miễn nhiễm với Covid-19 bằng cách tiêm vắc-xin hoặc đã từng nhiễm bệnh, khi ấy chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng ngay cả khi đạt được tỷ lệ đó, chúng ta cũng không chủ quan, bởi những nước đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng như I-xra-en vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách. Đồng thời, chuyên gia này nhấn mạnh, người dân cần hiểu rõ, vắc-xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay, nên các biện pháp bảo vệ khác vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt.

Vắc-xin là chìa khóa khống chế đại dịch. Dẫu vậy, so với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vắc-xin khá lớn, nên cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ Bộ Y tế và các cấp chức năng trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc-xin phòng Covid-19.