Những “vết thương” của làng quê

Người ra phố mưu sinh, người đi xuất khẩu lao động. Ở lại thôn, làng chỉ còn người già, trẻ em. Hệ quả là lớp trẻ không được quản lý chặt, lêu lổng, thậm chí nghiện hút, tổ ấm bị khuyết thiếu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tình nghĩa xóm giềng, bản sắc làng quê cũng đổi thay. Nghịch cảnh ấy tiếc thay, chưa có lời giải thấu đáo.

Những căn nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm ở Xuân Thượng (Xuân Trường, Nam Định).
Những căn nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm ở Xuân Thượng (Xuân Trường, Nam Định).

Kỳ 1: Rủ nhau tìm miền đất hứa

Chuyện xa làng mưu sinh nơi đất khách, xứ người đã trở thành phong trào từ 20 năm qua. Kinh tế có thể là cái được trước mắt, song thực tế chồng chất bao nỗi niềm, lo lắng. Một sự đánh đổi đầy xót xa!

Phương án thoát nghèo

“Không chịu khó đi xa thì chỉ bám lấy cái nghèo, bám cái thân già này…”, ông Nguyễn Văn Trụ gắt lên với vợ khi bà chần chừ chuyện để con trai thứ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hay vào Bình Dương buôn cá. Xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), như nhiều vùng quê khác vẫn đang nóng ước mơ làm giàu nơi đất khách.

Chừng 20 năm trước, Nam Triều còn nghèo lắm, nhưng nay có tới hơn 90% số hộ khá và giàu, xây nhà kiên cố, cao tầng. Đó cũng là lý do khiến lòng ông Nguyễn Văn Trụ ngổn ngang, bề bộn những câu hỏi so sánh, cân nhắc: Tại sao con người đi XKLĐ được, con mình lại không, người ta xây nhà tầng, còn nhà mình vẫn nhếch nhác trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ?... Khi bắt với mối quen trong xã để đưa con đi XKLĐ thì ông lại lệch quan điểm với bà vợ. Vợ ông thấy cảnh con hàng xóm sang xứ người, làm thuê xa gia đình thì thương. “Ngộ nhỡ nó sống khổ, lại bỏ trốn ra ngoài… Hay để nó vào Bình Dương buôn cá ở chợ cạnh khu công nghiệp với chị họ?”, bà nói với chồng. Nhưng ông Trụ gạt đi: “Đi làm thì phải chịu khó, khổ một tí có chết ai. Con người ta đi dăm ba năm về là có vốn. Có vốn thì làm gì chả được!”.

Cuộc tranh luận của vợ chồng ông Trụ chẳng biết đến bao giờ kết thúc, cũng như chuyện XKLĐ ở thôn Phong Triều đã được bàn tán suốt từ năm 2004 đến nay, và họ sẽ còn tiếp tục bàn tán về cái được, cái mất. Nhiều gia đình sẽ vẫn phải tranh luận, thậm chí cãi vã giữa ở quê hay sang xứ người. Có những cuộc nhắm mắt đưa chân. Nhiều đôi vợ chồng trẻ chấp nhận cảnh gia đình chia năm xẻ bảy, thiếu thốn tình cảm. Vợ hay chồng đi, dẫu sao cũng là những cuộc xa cách đầy ngậm ngùi.

Qua tìm hiểu, xã Nam Triều chỉ có hai thôn, Nam Quất và Phong Triều. Vào thời điểm đông nhất, thôn Nam Quất có gần 300 người đi làm ở nước ngoài, hiện nay cả thôn còn hơn 60 người. Còn thôn Phong Triều, hiện có 286 người XKLĐ. Số người rời thôn sẽ không dừng ở đó, bởi khi người ở bên kia “chắc chân” sẽ kéo người thân sang.

Cách Nam Triều chừng 10 cây số về phía nam là xã Minh Tân, nơi có nghề trồng rau xanh, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Cây rau chỉ đủ sức nuôi con người một cuộc sống đạm bạc mà không thể giúp họ có của ăn của để.

Bắt đầu từ năm 2004, thôn Thành Lập khởi phát làn sóng “di cư” tìm cái ăn, của để dành. Đích đến là những xã ven thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Khoảng năm 2010, nhiều cặp đôi vừa cưới nhau xong liền bàn tính đến việc lên Cao Bằng thuê đất trồng rau, như thể đó là miền đất hứa. Như thể, nếu cứ bám lấy đất quê họ sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được. Như thể, không ra đi thì không bằng người. Có thời điểm 70 gia đình trụ ở Cao Bằng, sống bằng nghề trồng rau. Khi vườn tược nơi đây đã “đầy” người thuê, dân Thành Lập hướng về đất Sa Pa (Lào Cai). Vẫn cách làm cũ, nhưng người dân được gieo trồng trên những thửa ruộng lớn, cung cấp cho những khu chợ gần nhà nên mọi thứ tiện lợi, cho thu nhập cao hơn. Thu nhập cao là cái mồi nhử những người đi sau.

Tìm hiểu tại những căn nhà vách tạm giữa những mảnh vườn ở ven thành phố Cao Bằng mà người dân Thành Lập dựng để ở, mới thấy những cơn bĩ cực. Chật chội, ẩm thấp, vách thủng lỗ chỗ, gặp bão là nhà sập, mưa lớn thì nước ngập vườn, đêm hôm rắn rết ếch nhái bò vào. Ông Nguyễn Văn Cây, chỉ tay ra lũ trẻ đang vui đùa, chui qua vách căn nhà của người cháu: “Đây như là cái chuồng ở chứ không phải nhà ở. Nhưng xác định đi làm ăn thì phải học cách chịu đựng. Được cái kinh tế nó xóa nhòa cả những khó khăn trong sinh hoạt”. Còn anh Nguyễn Văn Tuynh, dắt díu vợ con đi Cao Bằng, cuộc sống đầy nhọc nhằn, phải gánh gồng nặng nhọc, có khi trẹo cả chân, nhưng anh lạc quan bảo mình may mắn, ngoài mang tiền về mua được đất ở quê còn “sản xuất” được một đàn con.

Những cuộc XKLĐ, “di cư” đã đem lại đời sống kinh tế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thậm chí XKLĐ còn là một trong những phương án thoát nghèo mà chính quyền nhiều địa phương và người dân lựa chọn. Ông Trần Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân (Phú Xuyên), khẳng định: “Cái được khi người dân đi làm ăn là kinh tế. Họ mang tiền về, góp phần xây dựng quê hương, đầu tư cho con cái ăn học”.

Nhà cao rộng vắng người

Cứ nhìn những ngôi nhà cao to hai đến bốn tầng ở Minh Tân, Nam Triều sẽ thấy cái giá của sự vất vả, cực nhọc sau những năm rời bỏ quê hương đã đền đáp thế nào. Từ xóm trên đến xóm dưới, người đi làm ăn xa “rót” tiền về rồi đua nhau xây nhà. Xây không vì căn cơ số tiền trong túi, mà nhìn hàng xóm để xây. Số ngôi nhà cao tầng tỷ lệ thuận với số người đi làm ăn xa. Nhà sau to hơn nhà trước. Nhiều đến nỗi làng cũng bị bê-tông hóa, mùa hè nóng hầm hập như đô thị. Điều đáng nói, xây nhà xong, người dân khóa cửa rồi lại đi, mỗi năm chỉ về một vài lần.

Có một nghịch lý, cái được thì dễ nhìn thấy bởi nó hiện ra ngay trước mắt, nhưng cái mất thì âm ỉ. Các cặp vợ chồng trẻ đi làm thường gửi lại con cháu cho ông bà chăm sóc. Nhiều ông bà vừa trông vài đứa cháu, vừa trông vài căn nhà trống trơn con cái để lại. Trong làng chỉ còn người già và trẻ em. Trước đây có công việc gì, chạy sang chung quanh hàng xóm “ới” là có nhóm thanh niên trai tráng khỏe mạnh giúp đỡ, bây giờ thì… Một cụ già ngậm ngùi thốt lên: “Nhà mới thành ra như nhà hoang. Nhà cao cửa rộng mà không người ở!”. Cụ Nguyễn Báu, thôn Thành Lập (Minh Tân), bày tỏ: “Đó là xu thế chung, người khỏe không thể không đi xa. Nên nhà rỗng người, làng rỗng người. Vùng nông thôn bây giờ nhiều nơi người già mất, thì đa số người già đưa tiễn”.

Các vùng quê của tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa… cũng chung cảnh tượng. Về thôn Xuân Thượng, xã Xuân Thượng (Xuân Trường, Nam Định), cảm giác vắng vẻ cũng ập vào tôi. Đứng ngã tư đường, chờ người đi qua để hỏi thăm cũng thật khó gặp. Khi tìm được một lão niên, hỏi ra mới biết, hiện nay làng Xuân Thượng vắng hơn nửa dân số, họ tỏa đi nhiều nơi trên cả nước làm nghề buôn đồng nát. Số nhà bỏ hoang có tới hơn 30 căn, có thời điểm gần gấp đôi con số ấy, kể cả nhà cũ và nhà mới xây. 18 năm về trước, Xuân Thượng là xã thuộc diện nghèo nhất huyện Xuân Trường, nhưng nay đường sá đã khang trang, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, có ngôi nhà cao năm tầng.Vợ chồng ông Vũ Thành Trung gắn bó cả đời với nông thôn. Họ sinh được bốn người con thì cả bốn người sau khi xây dựng gia đình đều “cuốn gói” đi xa. Vợ chồng ông lại thay con cái chăm sóc các cháu. Ông Trung chia sẻ: “Người dân quê tôi có nết chịu khó, năng nhặt chặt bị. Người làm nghề buôn đồng nát, người làm thợ xây, bốc vác. Các cháu nhà tôi nói là đi xa vất vả, nhưng kiếm được. Kiếm được là mừng rồi!”.

Người đi xa có tiền gửi về xây nhà là người ở nhà mừng. Có của tích lũy và biếu bố mẹ cũng đáng mừng. Nhưng có người mừng ra nước mắt. Mừng đấy mà cũng tủi thân quá đỗi, như thể có cái gì đó đang âm thầm vỡ vụn. Có bậc cha mẹ không muốn nhắc đến cái xấu của con cái. Nhưng lòng ấm ức. Có đứa con để lại con cái cho ông bà, chỉ hằng tháng gửi tiền về, nhưng lại ít gọi điện hỏi thăm con. Một bà lão xin giấu tên, kể: “Mất một năm, con bé nhà tôi bữa nào cũng bắt xới thêm hai bát cơm để ra mâm, bảo là cho bố mẹ nó về ăn. Tôi tủi lòng, giấu cháu mà khóc”. Còn bà Vũ Thị Vượng (xóm 11 Xuân Thượng), nghẹn ngào vì thương đứa cháu ngoại tội nghiệp: “Thằng bố con mẹ nó đẻ nó ra, ba tuổi thì gửi tôi, bảo đấy là cháu bà, bà chịu khó mà chăm. Tôi bực lắm nhưng vẫn phải chăm cháu. Nhưng chúng nó thiếu thốn tình cảm. Cái Chi là cháu ngoại, nhiều lúc nó cứ tha thẩn, lúc buồn thì cứ bám lấy bà, mãi không buông ra. Chắc nó sợ buông ra, tôi cũng bỏ nó mà đi”…

(Còn nữa)