Nghề chuyên nghiệp cần người chuyên nghiệp

Một xã hội phát triển bền vững là tạo được sự cân đối giữa kinh tế và an sinh xã hội. Đã đến lúc Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) như một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc nguồn nhân lực ngành này hiện còn mỏng và chưa chuyên nghiệp vẫn là bài toán khó đặt ra, trước mắt là cho Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2021 - 2030 đang được góp ý xây dựng.
 

Lớp học may ở Làng Hữu nghị Việt Nam.
Lớp học may ở Làng Hữu nghị Việt Nam.

Được coi trọng, nhưng vẫn thiếu và yếu
 
 Còn nhớ cách đây một thập niên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dành kinh phí 2.347,4 tỷ đồng để thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), còn gọi là Đề án 32. Từ đó, CTXH mới được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức.
 
 Kể từ đó, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), tiếp theo là ở các ngành y tế, giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị...
 
 Nhiều mô hình trung tâm CTXH như ở: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã vận hành rất hiệu quả. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ cho hàng nghìn lượt đối tượng, bao gồm: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện và các đối tượng khác… Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, các đối tượng thuộc nhóm người yếm thế dễ bị tổn thương trong xã hội đã nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân…
 
 Tuy nhiên, đánh giá về CTXH thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vẫn cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của CTXH ngày càng tăng, nhưng các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chưa kể, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành CTXH còn mỏng, phần lớn được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
 
 Số lượng phải song hành chất lượng
 
 Tại Việt Nam, số người cần sự trợ giúp xã hội rất lớn, với hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng hai triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, hai triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% số hộ nghèo, 4,55% số hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, khoảng hai triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, mua bán, xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
 
 Thực tế, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nhiều hoạt động, cũng như mô hình giúp cho những đối tượng này, nhưng gặp không ít khó khăn. Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH thành phố Đà Nẵng cho biết: Đội ngũ nhân viên hợp đồng từ các chương trình, đề án... chưa thật sự ổn định. Đội ngũ cán bộ của ngành lao động tại phường, xã cũng ngày càng tinh giản và biến động thường xuyên nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng dịch vụ cung ứng. Về hành lang pháp lý, có thể thấy rõ hiện nay là chưa đủ căn cứ pháp lý cho nghề CTXH hoạt động. “Chính sách thu hút và đãi ngộ đối với nhân viên CTXH cũng là một bài toán khó trong giai đoạn hiện nay”, bà Hoa nói.
 
 Ở địa bàn khó khăn hơn, bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai, chia sẻ: Nguồn nhân lực làm nghề CTXH của Gia Lai thiếu trầm trọng. Tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh, nghề CTXH mới chỉ có 185 người được đào tạo trình độ sơ cấp, 48 người được đào tạo trình độ trung cấp và đang đào tạo trình độ đại học cho 75 người. Trong khi đó, đội ngũ cộng tác viên ở cấp xã, phường, thị trấn còn chưa có, nên CTXH vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu.
 
 Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới và ở nước ta đã chứng minh tính cần thiết của CTXH, trong việc góp phần giải quyết các vấn đề về con người và quyền con người. Mặt khác, nguyên lý giá trị, các nguyên tắc và phương pháp CTXH đang ngày càng được chấp nhận trong nhiều khía cạnh của sự phát triển đất nước, phát triển xã hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu cơ bản của con người, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
 Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người càng tăng cao thì không chỉ người nghèo, người yếm thế mới cần đến sự trợ giúp xã hội mà yêu cầu về dịch vụ xã hội của những người có mức sống cao cũng càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, nguồn nhân lực làm CTXH đóng một vai trò hết sức quan trọng.
 
 Các chuyên gia lao động đều cho rằng, phát triển nghề CTXH giai đoạn 2021-2030 cần khắc phục tồn tại trên. Điều quan trọng nhất là số lượng và chất lượng nhân lực ngành CTXH phải được phát triển song hành. Để thực hiện được mục tiêu này cần chú trọng vào công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên ngành trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước. 

 Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH hiện có khoảng 235.000 người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; hơn 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…