Ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi - Cách nào?

Kỳ II: Nhiều vướng mắc, bất cập (Tiếp theo và hết)

Khó khăn lớn nhất trong xử lý đối tượng phạm pháp liên quan “tín dụng đen” là phát hiện, thu thập và củng cố chứng cứ. Bởi theo Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), các đối tượng cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng, cho vay dưới dạng chơi họ trong thời gian ngắn. Trong khi, pháp luật hiện hành chưa có quy định xử phạt hành chính thay thế các quy định đang bất cập, do đó khó áp dụng các biện pháp nghiệp vụ với đối tượng có tội danh được quy định là tội ít nghiêm trọng.

Nhiều người lựa chọn vay qua app vì sự tiện lợi, nhanh gọn.
Nhiều người lựa chọn vay qua app vì sự tiện lợi, nhanh gọn.

Triệt phá nhiều đường dây tội phạm

Vừa qua, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen” cho vay nặng lãi với lãi suất lên tới 180%/ năm. Các đối tượng có tuổi đời rất trẻ song vô cùng liều lĩnh. Trung tá Quách Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (Công an quận Cầu Giấy) cho biết: Cầm đầu ổ nhóm này là Trần Minh Quang (sinh năm 1997, trú tại tòa nhà FLC, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Quang mua một trang web có tên miền là F98credit.vn dùng đăng tin cho vay tiền. Làm công cho Quang có ba đối tượng Ngô Văn Tráng (sinh năm 1999), Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1998), và Trần Quốc Tuấn (sinh năm 2004). Những đối tượng này chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của con nợ, đòi tiền, gây sức ép. Một trong những nạn nhân là chị Cao Thị Nhung, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cuối năm 2019 vay của Quang 100 triệu đồng. Theo thỏa thuận, lãi suất là 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Chị Nhung phải trả lãi định kỳ 15 ngày một lần với số tiền 7,5 triệu đồng. Quang yêu cầu chị Nhung viết giấy nhận tiền với mục đích nhờ Quang mua hộ xe máy. Quang khai, thỏa thuận này giúp nhóm tín dụng đen không bị xử lý nếu chẳng may công an vào cuộc. Viết xong giấy nợ Quang lấy luôn tiền lãi 15 ngày đầu và chuyển cho chị Nhung 92,5 triệu đồng. Mấy tháng đầu Nhung trả lãi đều đặn. Sau đó do khó khăn nên mất khả năng trả lãi, bị Quang liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa. Ngày 9-7-2020, Quang cho đàn em đến chỗ làm việc của chị Nhung yêu cầu trả tiền, liền bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ.

Ngày 20-9 vừa qua, thực hiện Chuyên đề 231 của Giám đốc Công an Hà Nội về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, Công an quận Hà Đông đã bắt “trùm” cho vay lãi Nguyễn Phú Cường (34 tuổi). Theo điều tra, đối tượng Cường đã cho khoảng hơn 200 người vay nặng lãi với lãi suất từ 110 - 146%/năm, tổng số tiền đã cho vay khoảng 8 tỷ đồng. 

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Công an, năm 2020, các lực lượng chức năng đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tạo được chuyển biến tích cực… Cục Cảnh sát hình sự cho biết, trong năm 2019 toàn quốc đã phát hiện tổng số 1.772 vụ việc liên quan “tín dụng đen”, khởi tố 573 vụ, 1.336 bị can trong đó có nhiều đường dây liên quan người nước ngoài. Tuy nhiên, tại một số địa phương công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt, hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn ra và chuyển dịch theo phương thức cho vay trực tuyến.

Thiếu chế tài, khó xử lý nặng

Điều đáng nói, vụ việc được phát hiện nhiều nhưng kết quả xử lý lại chưa đủ sức răn đe, và chưa có chế tài để xử lý hiệu quả hơn. Thực trạng tín dụng đen đang gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội, đúng như nhận định của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14-9 vừa qua, về kết quả thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan “tín dụng đen”. Bà Lê Thị Nga báo động về sự xuất hiện hình thức cho vay qua ứng dụng công nghệ cao (vay tiền online, qua app) thủ tục đơn giản nhưng lãi suất rất cao, đồng thời người cho vay có hành vi “khủng bố” tinh thần khách và người thân của họ để thu hồi nợ, đang gây nhiều hệ lụy trong xã hội. 

Sự manh động của các đối tượng vi phạm pháp luật đang gây hoang mang trong xã hội, trong khi đó các quy định của luật pháp còn chưa chặt chẽ, chưa sát thực tế. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất thỏa thuận giữa các bên cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định lãi suất hơn 100%, thu lời bất chính hơn 30 triệu đồng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định thì việc cho vay lãi quá 556 đồng/triệu đồng/ngày là vi phạm. Song hiện lãi suất “tín dụng đen” lên đến 300 - 700%/năm, tương ứng 5.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng không dễ xử lý. Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cảnh sát Hình sự cho biết, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu lách luật như một phần lãi được tách ra thành phí quản lý và nhiều phí khác, đều đánh vào đầu người vay, hay nếu người vay trả hết gốc trước, thì chuyển phần lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết tội đối tượng. Có khi chúng sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay không thể hiện lãi suất…

Cũng nêu ra bất cập của quy định liên quan, Thiếu tướng Trần Văn Hà, Cục trưởng Cảnh sát Hình sự cho biết, trong năm 2019, ngành Tòa án mới chỉ ban hành Nghị quyết 01/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về lãi, lãi suất và phạt vi phạm; Công văn 212/TANDTC-PC của TAND tối cao ngày 13-9-2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó giải đáp một số vướng mắc trong xử lý tội phạm quy định tại Điều 201, tuy nhiên lại chưa ban hành Nghị quyết là văn bản có tính pháp lý để hướng dẫn. Đó là chưa kể đến Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ, về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh một số loại hình kinh doanh đang bị các đối tượng núp bóng để cho vay nặng lãi. 

Chỉ thêm một bất cập, PGS, TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Nghị định 19/2019/NĐ-CP điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của họ, hụi, phường đã được ban hành. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các quy định pháp lý đối với hình thức cho vay ngang hàng (theo quy định là bên có nhiệm vụ kết nối người đi vay và người cho vay), nhưng các công ty này hoạt động không đúng bản chất, cấu kết với cơ sở cầm đồ, bán thông tin của người vay để quảng cáo, môi giới. Thậm chí các công ty cho vay ngang hàng vừa là chủ cầm đồ, vừa cho vay ngang hàng và đòi nợ kiểu xã hội đen.

Là người điều hành đơn vị trực tiếp đánh án, Trung tá Quách Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (Công an quận Cầu Giấy), kiến nghị: “Nhà nước và ngành ngân hàng sớm có các quy định phát triển sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nghèo. Việc cho vay thuận tiện cũng sẽ góp phần kéo giảm “tín dụng đen”.

Còn Cục Cảnh sát Hình sự đề xuất thêm giải pháp: Cục Cảnh sát Kinh tế tiếp tục điều tra cơ bản, tăng cường kiểm tra hoạt động của các công ty kinh doanh tài chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng… nghi có liên quan hoạt động “tín dụng đen” để kiến nghị xử lý nghiêm. Phối hợp lực lượng Cảnh sát Hình sự đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, đối tượng lợi dụng cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng liên quan “tín dụng đen”. Cùng với đó, công an các địa phương với vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành địa phương trong phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ bảo kê, thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho đối tượng vi phạm pháp luật.

Chỉ khi các quy định luật pháp chặt chẽ, chi tiết và sát thực tế, đồng thời có được sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm của cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và cảnh giác của người dân, hoạt động “tín dụng đen” mới không còn đất sống.