Ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi - Cách nào?

Hoạt động của đối tượng vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen" ngày càng phức tạp trên phạm vi cả nước. Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp, tổ chức nhiều chuyên án đấu tranh, xử lý, song lợi dụng công nghệ cao và bằng nhiều hình thức, các đối tượng vẫn len lỏi vào đời sống, gây mất an ninh trật tự. Trong khi, các văn bản pháp luật về việc xử lý các đối tượng này vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Muôn kiểu quảng cáo vay tiền qua app.
Muôn kiểu quảng cáo vay tiền qua app.

Kỳ I: Dễ vay, khó trả

Công ăn việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; có nhu cầu vay tiền để phát triển kinh tế nhưng thua lỗ, mất khả năng trả nợ… đã dẫn đến việc nhiều người buộc phải tìm cách vay tiền với lãi suất cao. Từ đó phát sinh ra tình trạng đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản và nhiều tệ nạn nhức nhối khác.
Ðơn giản như… vay tiền qua mạng

Không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu và một số thao tác trên điện thoại là bất cứ ai cũng có thể vay tiền qua app (vay qua ứng dụng). Chỉ hơn 10 phút sau là tiền được gửi vào tài khoản, hoặc có người mang đến tận nhà. Hiện có hàng trăm trang mạng quảng cáo vay qua app với những lời "có cánh", như duyệt vay 100%, mất khả năng chi trả vẫn được vay… Hay khẩu hiệu "nhấp chuột liền, tiền về tay" cũng đã thu hút nhiều người tìm đến. Lướt lên mạng, anh Thế Dũng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào app Vidong để vay hai triệu đồng, chỉ 20 phút sau có người mang đến địa chỉ và bị "xén" luôn 30% tiền lãi. Ứng dụng của bên cho vay cũng đã truy cập được vào danh bạ cá nhân của anh, nếu không trả nợ đúng hạn, anh sẽ bị… hành, như đã từng nếm trải năm 2019.

Với số tiền không lớn, người có điều kiện sẽ trả được ngay, nhưng với người thu nhập thấp hoặc mất việc làm, số tiền nợ năm triệu đồng cũng khó. Anh Ðỗ Như Bốn, ở phố Thái Hà (Hà Nội) đi vay năm triệu đồng trong 14 ngày, khi người của bên cho vay mang đến thì anh chỉ nhận được 3,5 triệu đồng. Sau 14 ngày, anh Bốn không trả kịp thì bị bên app Vidong đưa ngay ảnh và CMND của anh lên mạng, rêu rao "người này dùng thủ đoạn vay rồi trốn nợ", đồng thời nhắn tin cho người thân, bạn bè của anh Bốn để lăng mạ, chửi bới. Anh Bốn đã phải vay nóng bạn bè để trả cho app. "Tôi đã vay một số app, có app quảng cáo lãi suất 0%, chỉ tính phí, nhưng phí dịch vụ và phí phạt nếu thanh toán không đúng thời hạn đắt khủng khiếp. Nhiều người nghe hấp dẫn mà không tìm hiểu kỹ nên đã vào vay", anh Bốn chia sẻ.

Trường hợp của chị Hoàng Ái V. (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vay 10 triệu đồng để cho chồng đi xin việc và dành chi tiêu. Sau khi hoàn tất thủ tục, các đối tượng chỉ chuyển cho chị số tiền bảy triệu đồng. Khi V. thắc mắc thì được các đối tượng giải thích là đã trừ tiền lãi tháng đầu tiên cùng với các khoản phí hồ sơ, thủ tục... Chỉ sau hai tháng, do không có tiền trả nợ, nạn nhân lại tiếp tục được các đối tượng mời gọi vay qua app khác để trả. Các đối tượng này rất nhiệt tình "hỗ trợ" chị vay thêm. Nghe bạn bè khuyên, chị V. không dám vay thêm mà phải về cầu cứu bố mẹ để trả mới được yên thân.

Sinh viên là đối tượng mà người cho vay thường nhắm đến. Các tin nhắn, trang quảng cáo "bò" vào facebook cá nhân của từng sinh viên mời chào. Ðỗ Văn Q., (sinh viên của một trường có tiếng tại Hà Nội) từng vay tiền qua app, chia sẻ: "Các thủ tục nhanh gọn nên không ít bạn sinh viên đã sập bẫy. Em vay có 600 nghìn đồng, thế mà chỉ trả chậm là bị phạt 120 nghìn đồng/ngày".

Theo Trung tá Quách Anh Tuấn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội), đối tượng cho vay lãi tận dụng cả không gian ảo và thật để hoạt động. Trước đây các đối tượng thường dán tờ rơi ở các ngõ ngách, nơi công cộng, các bảng tin tầng, cầu thang của chung cư. Bây giờ ở các quận trung tâm thành phố, việc dán tờ rơi quảng cáo đã giảm nhưng lại xuất hiện nhiều ở vùng ven đô. Cũng theo Trung tá Quách Anh Tuấn, những người vay ít, độ vài triệu đồng thường không tìm đến ngân hàng, do thủ tục vay ở ngân hàng rườm rà, trong khi vay qua app quá đơn giản. "Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi còn biết có người định lợi dụng việc vay đơn giản qua app để chiếm đoạt tiền. Hôm nay anh ta vay của 10 app, hôm sau vay của 10 app khác. Như thế càng thấy vay qua app quá đơn giản. Còn người cho vay xác định: Cho 100 người vay mà đòi trọn vẹn được 90, với lãi suất cao thì đã lãi lớn rồi", Trung tá Quách Anh Tuấn nhấn mạnh.

Muôn kiểu hành người vay

Ðể đòi nợ, các đối tượng cho vay cũng thuê một đội ngũ toàn người không có công ăn việc làm để đi dọa nạt, uy hiếp người vay. Người vay ít khổ một, với những người vay nhiều thì các hình thức đe dọa còn đáng sợ hơn nhiều. Không chỉ bị dọa nạt, lăng mạ, có người còn bị bắt cóc, cưỡng đoạt, thậm chí đánh đập dẫn đến tử vong. Như trường hợp bà B.M.X (trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng vì bị đổ chất bẩn vào nhà. Ngày 19-9-2020, Công an quận Tân Bình đã tiếp nhận đơn và mời bà lên làm việc, đồng thời xuống hiện trường ghi nhận vụ việc các đối tượng tạt sơn và mắm tôm vào nhà bà X. để điều tra làm rõ. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà X. là giám đốc doanh nghiệp, đã vay hàng chục đối tượng tổng số tiền lên đến gần 90 tỷ đồng.

Trong đơn cầu cứu, bà X. cho biết bà từng là giám đốc của một công ty xuất khẩu có trụ sở tại quận Tân Bình. Thời gian trước, để có vốn làm ăn, bà vay vốn ngân hàng. Gần cuối năm 2019, do công ty làm ăn gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng nên bà X. được một người phụ nữ tên S. giới thiệu vay 200 triệu đồng của ông N. Nhưng trong hợp đồng lại ghi bà X. vay 240 triệu đồng, gồm 200 triệu đồng tiền gốc, 40 triệu đồng tiền lãi và phải trả trong vòng 24 ngày. Ðến khi trực tiếp đưa tiền, ông N. chỉ đưa cho bà X. 180 triệu đồng tiền mặt, giữ lại 20 triệu đồng với lý do để thu gom tiền gốc và lãi hai ngày đầu. Sau đó, bà X. còn nhiều lần vay tiền của ông N. với phương thức tính lãi như vậy. Tuy nhiên công ty của bà X. làm ăn càng khó khăn, không đủ khả năng trả nợ cho ông N. Lúc này, ông N. và bà S. tiếp tục giới thiệu cho bà vay tiền nhiều người khác với lãi suất cao hơn lãi suất cũ. Cứ như vậy, bà X. đã vay tổng cộng 38 người với tiền gốc và lãi lên đến gần 90 tỷ đồng. Dù đã bán hết tài sản để trả nợ được 63 tỷ đồng, nhưng số tiền còn lại đến nay bà X. không có khả năng chi trả. Từ đó bà liên tục bị các chủ nợ gọi điện, nhắn tin đe dọa. Trong đó, nhà gia đình bà X. trên đường Trường Chinh (phường 14, quận Tân Bình) liên tục bị tạt sơn và mắm tôm… Theo Công an quận Tân Bình, việc vay tiền là giao dịch dân sự, nhưng nếu các đối tượng có hành vi đe dọa, tạt chất bẩn và gây mất an ninh trật tự tại địa phương sẽ bị xử lý nghiêm.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 15-6-2020, toàn TP Hà Nội có 1.323 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Riêng kinh doanh tài chính có 401 cơ sở và chỉ có 136 cơ sở có giấy phép hoạt động. Từ cuối tháng 4-2019 đến ngày 15-6-2020, công an thành phố phát hiện 90 vụ vi phạm hình sự liên quan "tín dụng đen". Trong đó, khởi tố 46 vụ với 170 bị can.

(Còn nữa)

Nạn cho vay nặng lãi, vay qua app diễn biến vô cùng phức tạp và xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Bình Phước, Ðồng Nai… Theo Công an tỉnh Ðồng Nai, trong hơn một tháng qua trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hình sự ba vụ, liên quan chín đối tượng cộm cán cho vay lãi nặng. Còn ở địa bàn Tây Nam Bộ, nhiều vụ việc cho vay lãi nặng cũng bị phát hiện, xử lý do các đối tượng lợi dụng dịch Covid-19 để cho người dân vay với lãi suất "cắt cổ", từ 100 - 600%/năm.