Mùa hè 2020 sẽ nắng nóng kỷ lục?

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế, năm 2020 sẽ là một trong những năm nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng THêm 1,1 độ C, kèm theo là tính bất ổn định cao của khí quyển. Điều đó cho thấy khả năng thiên tai năm nay sẽ bất thường, khó lường, đòi hỏi các cấp chính quyền cũng như người dân cần chủ động ứng phó để giảm thiệt hại.

Ở nhiều miền mùa hè năm nay có nơi nắng nóng hơn 40 độ C. Ảnh: LÊ PHAN
Ở nhiều miền mùa hè năm nay có nơi nắng nóng hơn 40 độ C. Ảnh: LÊ PHAN

Thiên tai sẽ phức tạp, bất thường?

Tại nước ta, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến 10-2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C; riêng tháng 5 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C.

Dự báo này cũng phù hợp nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới và các trung tâm dự báo quốc tế. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường.

Thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ bắt đầu ngay trong những ngày đầu tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 6 ở Bắc Bộ; đến hết tháng 8 ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Mùa mưa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so TBNN. Sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.

Nằm trong bối cảnh chung của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo giông, lốc, mưa đá... Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng (từ hai ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt hơn 41 độ C. Đợt nắng nóng đầu tiên có thể xảy ra vào khoảng giữa tháng 5-2020, các đợt còn lại sẽ tập trung vào cuối tháng 5, 6, 7. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, khu vực Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ. Thời gian ảnh hưởng của bão và ATNĐ tập trung vào các tháng 7, 8 và 9.

Cần chủ động đề phòng các hiện tượng cực đoan

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường, như mưa to kèm giông, lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra. Ở các tỉnh phía nam cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai bất thường, cá biệt, cuối tháng 4 vừa qua, một số khu vực tại quận 12, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hiện tượng mưa đá. Mùa khô năm nay tại TP Hồ Chí Minh cũng kéo dài quá lâu, tới sáu tháng, trong khi trung bình mọi năm chỉ kéo dài năm tháng. Mùa mưa đến trễ, cùng với việc lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công rất ít khiến nhiều tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Điều này đã thể hiện tính chất phức tạp của thiên tai khí tượng thủy văn.

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nguyên nhân của những biến động bất thường này là do tác động của BĐKH, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Chính điều này gây ra những hiện tượng thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.

TS Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo, hiện nay đã bước vào tháng 5, cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn… Đặc biệt dưới tác động của BĐKH, các hiện tượng khí hậu không còn tuân theo quy luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan KTTV. Mặt khác, do thiên tai có xu hướng không chỉ gia tăng về tần suất, phạm vi ảnh hưởng, mà còn cả về cường độ nên các cơ quan quản lý và phòng, chống thiên tai cũng cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại các phương án phòng, chống để có thể ứng phó kịp thời. Các cơ quan chức năng cần phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của BĐKH cùng với các giải pháp phòng tránh.

Về lâu dài, theo chuyên gia KTTV Lê Thị Xuân Lan phân tích, thời gian qua, khi dịch Covid-19 hoành hành, nhịp sống trên toàn thế giới chậm lại, xe cộ di chuyển ít hơn, nhiên liệu sử dụng ít hơn... bầu khí quyển lập tức được cải thiện rõ rệt. Nói vậy để thấy chúng ta chưa thể ngăn chặn nhưng có thể làm giảm hoặc tăng chậm quá trình BĐKH bằng cách giảm phát thải khí CO2, giảm hiệu ứng nhà kính. Chỉ có cách làm chậm lại, giảm bớt các tác động tiêu cực lên bầu khí quyển thì con người mới có thể từ từ thích ứng được với BĐKH.