"Mở lối" cho xe buýt

Nhiều chuyên gia khẳng định: Ngay cả khi hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội hoàn thiện với đầy đủ các tuyến đường sắt đô thị và xe buýt nhanh (BRT) thì vai trò của xe buýt vẫn không hề suy giảm. Trong tương lai, nếu được quy hoạch tốt, ngoài sứ mệnh vốn có, xe buýt sẽ còn đóng vai trò "chân rết" giúp trung chuyển, kết nối hiệu quả và đồng bộ cho hệ thống đường sắt đô thị.

Sức cạnh tranh của các phương tiện vận chuyển khác đòi hỏi xe buýt phải liên tục đổi mới. Ảnh: DUY LINH
Sức cạnh tranh của các phương tiện vận chuyển khác đòi hỏi xe buýt phải liên tục đổi mới. Ảnh: DUY LINH

Không chỉ có học sinh, sinh viên, người lao động, ngày càng có nhiều cán bộ, công chức chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, bởi nhiều tính năng ưu việt hơn như an toàn, tiết kiệm, không bị nắng mưa... Ðể đáp ứng nhu cầu cho người dân, thời gian qua, các đơn vị vận tải cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phục vụ, không chỉ đến các trường học, khu công nghiệp, khu đô thị, điểm vui chơi, trung tâm thương mại, mà còn vươn tới các vùng sâu, vùng xa của thành phố.

Mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã tăng lên hơn 120 tuyến với hơn 1.800 phương tiện; phạm vi bao phủ đạt 543/584 xã, phường, thị trấn của 30/30 quận, huyện, thị xã, tăng gấp 3,6 lần so với 20 năm trước. Mỗi năm, xe buýt phục vụ hơn 400 triệu lượt hành khách. Trong điều kiện phương tiện cá nhân bùng nổ, hạ tầng giao thông quá tải, có thể thấy xe buýt đang ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TTQLÐHGTÐT) Dương Thế Bình, nếu toàn mạng lưới VTHKCC đáp ứng được gần 15% nhu cầu đi lại của người dân thì xe buýt thường góp phần giải quyết tới 12,2%. "Trong khi đường sắt đô thị chưa đưa vào sử dụng còn BRT chỉ có một tuyến thì trong ít nhất 15 - 20 năm nữa, xe buýt vẫn là phương tiện VTHKCC giữ vai trò chủ đạo", ông Bình khẳng định.

Song, như Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật đánh giá, "xe buýt không hề giảm về quy mô, số lượng nhưng rõ ràng, yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng ngày càng cao, sự cạnh tranh từ ta-xi, xe ôm công nghệ rất khốc liệt. Thực tế này đòi hỏi xe buýt phải liên tục đổi mới".

Thực tế là những năm qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cơ bản nhất - thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt - vẫn chưa được giải quyết. Theo thống kê mới nhất của TTQLÐHGTÐT Hà Nội, riêng trong năm 2018 có đến 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ.

"Ðể tăng được 1% lượng hành khách đã rất khó, vậy mà các doanh nghiệp vận tải mất đến 3,5% khối lượng phục vụ do ùn tắc giao thông! Quả là quá đáng tiếc", lãnh đạo TTQLÐHGTÐT Hà Nội chia sẻ. Bên cạnh đó, TS Lâm Quốc Ðạt (Trường đại học Giao thông vận tải) nhận định: Mạng lưới xe buýt Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập, chưa định rõ chức năng của các tuyến xuyên tâm, tuyến hướng tâm, tuyến vòng tròn... Hệ số trùng tuyến cao, khả năng tiếp cận của người dân trong bán kính tối ưu từ 1,3 - 1,5 km là chưa thu hút nhu cầu sử dụng.

Có thể nói, xe buýt sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng và là phương tiện VTHKCC chủ đạo của Hà Nội trong nhiều năm tới. Ðiều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách của thành phố, cùng khả năng đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ của chính các doanh nghiệp.