Mô hình bảo vệ môi trường ở nông thôn

Bảo vệ môi trường nông thôn, thu gom rác thải nhựa đang là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt đối với Bắc Giang, vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết.
Áp dụng công nghệ trong xử lý rác thải.
Áp dụng công nghệ trong xử lý rác thải.

Thực tế ở các vùng nông thôn, không phải nơi nào việc thu gom, xử lý rác thải nhựa cũng được thực hiện rốt ráo. Cũng bởi ý thức của người dân chưa cao, dẫn đến việc tập kết, thu gom, xử lý rác thải nhựa chưa được hiệu quả như mong muốn. Trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tình trạng rác thải chất đống nhiều ngày trong khu dân cư không được xử lý gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Ông Trần Văn Đơn, người dân xã Nghĩa Hồ cho biết: “Ở đường liên huyện, nhiều bãi rác thải tự phát ven đường không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông”.

Ở một số xã trên địa bàn huyện Tân Yên, Hiệp Hòa… vẫn còn tình trạng đổ rác bừa bãi. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang nêu giải pháp: Xã, thôn cần thay đổi nhận thức về trách nhiệm. Công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Tiếp theo, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đến từng cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, đặc biệt chú ý kịp thời tuyên dương những gương điển hình trong công tác vệ sinh môi trường, phê phán những cá nhân, hộ gia đình thiếu ý thức trong công tác vệ sinh môi trường trên đài phát thanh của thôn, xã. Đối với những xã xa trung tâm, không có điều kiện đưa về bãi xử lý rác của huyện thì cần hỗ trợ địa phương kinh phí mua phương tiện, các hộ dân đóng góp kinh phí, địa phương tổ chức đội thu gom chở rác đến bãi rác tập trung xa khu dân cư để xử lý.

Hiện nay, Bắc Giang đã có nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải hiệu quả như Công ty Môi trường Bích Ngọc (huyện Lục Nam) thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho địa bàn hai xã và một thị trấn với khối lượng khoảng bảy tấn/ngày. Đơn vị này áp dụng phương pháp xử lý bằng lò đốt NFI công nghệ Nhật Bản công suất 500 kg/giờ và kết hợp chôn lấp, ủ phân vi sinh. Hợp tác xã (HTX) Môi trường Đồng Phát (huyện Yên Dũng) thu gom, xử lý rác thải cho bốn xã và một thị trấn với khối lượng khoảng 15-20 tấn/ngày. Hay HTX Môi trường huyện Việt Yên thu gom, xử lý rác thải với khối lượng khoảng 50 tấn/ngày cho 13 xã và hai thị trấn. Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt với tổng khối lượng 110 tấn/ngày cho 10 phường và sáu xã...

Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cho biết, tỉnh đã bố trí hơn 500 khu thu gom rác thải cho 162/203 xã, có 259 bãi chôn lấp rác xử lý cho 95 xã (trong đó bốn khu quy mô cấp huyện); có 94 lò đốt rác với nhiều công nghệ khác nhau; có hơn 2.500 HTX, công ty và tổ vệ sinh môi trường được thành lập và duy trì hoạt động.

Thời gian tới, việc triển khai thực hiện các nội dung xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại chín thôn điển hình của tỉnh cần làm nổi bật điểm nhấn trong lĩnh vực môi trường, đó là ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên, duy trì thường xuyên phong trào vệ sinh môi trường trong địa bàn toàn thôn, không còn hiện tượng rác thải vứt bừa bãi không đúng nơi quy định, cảnh quan môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đó sẽ là những mô hình mẫu để các thôn, xã khác học tập.

Tiếp theo đó, cần triển khai trên diện rộng việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình. Cụ thể như: Rác hữu cơ dễ phân hủy được tận dụng làm phân bằng hố rác di động. Phần rác thải khó phân hủy có thể sử dụng phương pháp chôn lấp bằng cách đào hố thể tích nhỏ, phần nắp đậy kích thước và hình dáng phụ thuộc vào miệng hố, chất liệu thường bằng kim loại hoặc gỗ (tùy điều kiện từng hộ gia đình có thể chọn các vật liệu khác nhau nhưng cần bảo đảm tính an toàn, kín để tránh cho vật thể lạ lọt vào cũng như mùi từ trong hố). Đây là hình thức xử lý rác thải đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện vùng nông thôn.