Miền trung căng mình ứng phó thiên tai bất thường

Nắng hạn gay gắt kéo dài tại Phú Yên, Đà Nẵng khiến mực nước các sông suối, hồ đập, giếng đào trên địa bàn bị cạn kiệt, hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong khi đó, ở khu vực bắc miền trung, do ảnh hưởng bất thường của hai đợt áp thấp nhiệt đới, các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An... lại hứng chịu mưa lớn kéo dài, cộng với việc nhà máy thủy điện xả lũ gây ngập lụt khiến hàng trăm hộ dân phải di dời, nhiều diện tích hoa màu, tài sản ngập trong biển nước.

Ở rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: HƯƠNG GIANG
Ở rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng

Đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong mấy ngày qua đã gây thiệt hại về người và tài sản. Một số địa bàn huyện có mưa to, nước sông, suối dâng cao gây ngập lụt, chia cắt ở một số nơi. Tính đến ngày 4-9 toàn tỉnh Quảng Bình có hai người chết, mất tích và một người bị thương; hơn 1.600 nhà bị ngập cô lập do lụt và chia cắt. Nhiều xã, bản tại các huyện miền núi như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch bị nước lũ chia cắt... Mưa lớn kéo dài liên tục đã khiến nước sông ở tỉnh Quảng Trị dâng cao, đường sá sạt lở, nhà dân tốc mái, giao thông chia cắt… nhiều địa phương trong tỉnh phải sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đác Rông, nhiều điểm dân cư bị cô lập cục bộ. Nước dâng cao, chia cắt các khe suối, cầu tràn làm người dân không thể đi lại. Hiện tại toàn bộ học sinh trên địa bàn đã phải nghỉ học vì giao thông chia cắt không thể đến trường. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng túc trực tại các điểm bị ngập, nước chảy mạnh để cảnh báo người dân.

Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá tràn xuống lòng đường gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Trị đã thu hoạch được gần 18.097/22.580 ha lúa hè - thu. Trong số diện tích lúa còn lại chưa thu hoạch được, có khoảng 1.700-2.000 ha có nguy cơ bị ngập úng, hư hỏng nặng...

Miền trung căng mình ứng phó thiên tai bất thường ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm, động viên các gia đình bị ngập lụt ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê.

Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), từ ngày 2 đến 4-9 đã có mưa to đến rất to, cộng với thủy điện Hố Hô xả lũ nên 18 xã vùng hạ du của huyện bị ngập cục bộ, trong đó có sáu xã bị cô lập, 152 nhà dân bị ngập sâu. Tuy không thiệt hại về người nhưng tại huyện Hương Khê có 900 ha lúa hè - thu, 110 ha ngô và 65 ha lạc chưa thu hoạch, 1.330 ha bưởi đã đến thời gian thu hoạch bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Một số công trình giao thông, công trình thủy lợi bị ngập hư hỏng, nhiều cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi. Hiện mực nước ở sông Ngàn Sâu vẫn tiếp tục dâng cao. Kèm với việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ, nếu mưa còn kéo dài thì Hương Khê sẽ ngập lụt với mức báo động 3.

Đặc biệt, tuy đã đến ngày khai giảng năm học mới nhưng 10 trường học ở xã Hương Trạch, Hương Thủy, Hương Đô, Hương Mỹ (Hương Khê) vẫn bị ngập, buộc nhà trường phải di dời đồ dùng, dụng cụ học tập. Theo thống kê tính đến ngày 4-9, mưa lớn đã làm ngập lụt 27 xã thuộc bốn huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh; hơn 1.991 ha lúa bị ngập úng... Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục huy động lực lượng vũ trang cùng với các ngành, đoàn thể giúp bà con khắc phục hậu quả lũ lụt.

Tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới

Theo Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tiếp tục thông báo, kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn, chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện. Đặc biệt triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các trường chủ động xây dựng phương án, có thể dừng tổ chức lễ khai giảng nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi. Riêng tỉnh Quảng Bình đang bị ngập trong nước, để bảo đảm an toàn, các trường học trong vùng lũ lụt đã cho học sinh nghỉ học và tạm hoãn lễ khai giảng vào ngày 5-9.

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt

Thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân ở các tỉnh miền trung. Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để bảo đảm sinh kế cho người dân một cách bền vững.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên, nguyên nhân gây thiếu nước sinh hoạt tại Phú Yên thời gian vừa qua là do thời tiết nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa tại tỉnh từ tháng 1 đến ngày 31-7 phổ biến chỉ từ 180,0 mm đến 392,8 mm, thấp hơn so trung bình nhiều năm từ 7,7 mm đến 122,1 mm; hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã hạ thấp hơn mực nước thiết kế (có hồ chỉ còn 20-30% dung tích thiết kế), nhiều hồ đập nhỏ, suối, giếng đào của người dân đã khô cạn.

Thực tế này khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở Phú Yên ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, dễ phát sinh các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Theo số liệu thống kê, đến nay, diện tích lúa hè - thu phải chuyển đổi cây trồng tăng thêm 400 ha. Ngoài ra, có hơn 7.000 ha lúa hè thu đã gieo sạ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do thiếu nước. Toàn tỉnh có 600 ha đất bị nhiễm mặn tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao, hơn 6.000 hộ dân ở các huyện miền núi phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Trước thực trạng BĐKH ngày càng gay gắt, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó. Trong đó, nội dung quan trọng nhất được xác định là các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất để bảo đảm sinh kế. Các mô hình đều hướng tới xây dựng sản phẩm chất lượng cao, phù hợp điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và có khả năng nhân rộng. Ở khu vực đồng bằng, miền núi, việc chuyển đổi được thực hiện từ trồng cây lúa nước sang rau màu, đậu tương ở vùng thiếu nước cục bộ; chuyển đổi từ cây sắn, mía tại vùng năng suất thấp sang cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp… Bên cạnh việc chuyển đổi các loại cây trồng nông nghiệp thuần túy, tỉnh Phú Yên đã có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao...

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung các biện pháp phòng, chống hạn, thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình diễn biến khu vực thiếu nguồn nước sinh hoạt... Đồng thời, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh chống hạn trong sản xuất vụ hè - thu năm 2019; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người dân với kinh phí 57 tỷ đồng. Về lâu dài, Phú Yên kiến nghị xem xét hỗ trợ kinh phí 230 tỷ đồng để tỉnh đầu tư tám công trình cấp nước tập trung tại các địa phương khó khăn về nguồn nước.