Lúng túng hồ sơ sức khỏe điện tử

Từ tháng 7-2019, Bộ Y tế đồng loạt triển khai thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, để tiến tới đạt mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử lưu trữ suốt đời và được liên thông ở tất cả các tuyến y tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế cho hay, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử lộ trình được khởi động vào tháng 7-2019 này, phấn đấu tới năm 2025 có hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe.

Cục Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân triển khai toàn quốc. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh trước đây. Mỗi bệnh nhân được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Qua hồ sơ sức khỏe, bệnh nhân có thể cho thầy thuốc biết hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật. Vì vậy, quá trình khám, chữa bệnh sẽ nhanh chóng, chính xác, đầy đủ và thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Thông tin minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Cục CNTT đang phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng mã định danh y tế cho người dân, tài khoản người dùng theo địa danh tỉnh, xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống y tế. Ðặc biệt, bệnh án điện tử cá nhân là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, sẽ giúp ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, dự báo, cũng như những hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Chia sẻ về quá trình thực hiện, PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng CNTT (Bộ Y tế) cho biết: Ðây là vấn đề mới nên khi triển khai còn khá nhiều lúng túng. Một trong những khó khăn hiện nay, là vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của các bệnh viện chưa đồng bộ. Mặt khác, do hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, hoặc chưa được trao đổi, chia sẻ giữa các đơn vị nên khó tổng hợp dữ liệu, thậm chí xảy ra tình trạng cát cứ dữ liệu. Cùng với đó, việc chưa có cơ sở dữ liệu về sức khỏe của 95 triệu dân cũng khiến việc triển khai y tế điện tử gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng "mỗi nơi một kiểu" và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh và bệnh viện", ông Trần Quý Tường nói.

Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân nhằm xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, bởi vậy cần thiết xây dựng cơ chế, chính sách hoàn thiện đồng bộ, xây dựng lại chuẩn liên thông phần mềm, chính sách quy định về an toàn thông tin.