Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Sau một năm lựa chọn chín thôn làm mô hình điểm nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Bắc Giang, kết quả đạt được có nhiều khả quan, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã được nâng lên. Song để có thể triển khai rộng rãi vẫn còn nhiều việc phải làm.

Vẻ đẹp tươi mới của nhà vườn thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).
Vẻ đẹp tươi mới của nhà vườn thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Bắc Giang, việc triển khai NTM kiểu mẫu đã được các thôn hưởng ứng triển khai, dần tạo ra mô hình mẫu, điểm tại các xã đã đạt chuẩn; làm chuyển biến cảnh quan môi trường, tạo ra diện mạo mới, nhất là đường giao thông, khu vực trung tâm thôn. Từ thực tiễn công việc đã và đang phát huy, khơi dậy sự sáng tạo, nhiệt tình của các Ban phát triển thôn. Đến nay đã có hai thôn cơ bản đạt 7/7 tiêu chí nâng cao, một số thôn làm tốt đã trở thành nơi tham quan, trao đổi kinh nghiệm của nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh. Trong đó tiêu biểu nhất là thôn Ngọt, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn).

Để đạt kết quả cao, là nhờ sự thống nhất, tin tưởng của toàn thể nhân dân thôn Ngọt. Ông Dương Văn Trình, Bí thư chi bộ thôn Ngọt, nêu kinh nghiệm: “Từ khi nhận kế hoạch, Ban phát triển thôn đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tích cực tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong thôn với gần 100% là người dân tộc Sán Dìu. Mọi việc đều dựa trên nguyện vọng chính đáng của người dân, phát huy tốt tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Cũng nhờ xây dựng NTM, thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng (huyện Lục Nam) đã có sự thay đổi vượt bậc. Từ một thôn vùng xa, giao thông khó khăn, trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, đường trục chính và ngõ 100% là đường đất lầy lội vào mùa mưa, hệ thống thủy lợi nhỏ hẹp, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới, đến thời điểm hiện tại Xuân Phú đã cơ bản cứng hóa xong đường giao thông trong thôn, kênh mương nội đồng được quy hoạch, công tác dồn điền đổi thửa được quan tâm, việc sản xuất của bà con đã trở nên thuận lợi. Điều đáng nói, người dân và chính quyền thôn đã tranh thủ được sự hỗ trợ của cấp trên, hăng hái chung tay đóng góp, cùng xây dựng thôn xóm, nâng cao đời sống tinh thần.

Nhìn sang thôn Tân Sơn, xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa), sự đoàn kết, chung tay vì cuộc sống ấm no, bình yên cũng hiện hữu. Tân Sơn là thôn đạt chuẩn từ năm 2014, năm 2018 tiếp tục được chọn làm điểm NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2019. Nắm bắt chủ trương của Huyện ủy, hướng dẫn của BCĐ huyện, Chi bộ thôn ban hành nghị quyết, thống nhất trong Chi ủy, lãnh đạo thôn đề ra kế hoạch cùng thực hiện. Thôn rà soát các tiêu chí về môi trường, hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông, nhà văn hóa. Đặc biệt về môi trường, trước đây việc thu gom và xử lý rác thải gặp không ít khó khăn. Địa phương đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình, xác định đây là nhiệm vụ vất vả, khó khăn. Ban đầu, Ban phát triển thôn đã vận động các nguồn kinh phí, mua cấp phát cho mỗi hộ hai thùng nhựa, với hai mầu khác nhau để đựng rác vô cơ và hữu cơ. Sau hơn 10 tháng thực hiện, Tân Sơn trở thành điển hình của huyện khơi dậy sức dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường, phân loại rác thải và tổ chức thu gom hợp lý tại các tuyến đường. Bà Hoàng Thị Ngọ, người dân trong thôn chia sẻ: “Một khi người dân nhận thức rõ ràng về tác dụng việc phân loại rác, sẽ ủng hộ giúp việc xử lý dễ dàng hơn. Nói gì thì nói, chung tay vì môi trường chung là nhiệm vụ của bất cứ ai”.

Kinh nghiệm đã có, nhiều giải pháp đã được đưa ra để thực hiện và có hiệu quả. Song theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Bắc Giang, một số thôn vẫn còn lúng túng trong thực hiện, mới chỉ quan tâm đến khu vực trung tâm thôn mà chưa chú ý đến nội dung từng hộ gia đình. Trong thực hiện, việc tuyên truyền để người dân nhận thức mục đích ý nghĩa của việc xây dựng NTM kiểu mẫu còn hạn chế; xây dựng cần có nguồn vốn lớn để hoàn thành các tiêu chí, tuy nhiên, hiện nay mới hỗ trợ mỗi thôn được 30 triệu đồng để xây dựng cảnh quan, các nội dung khác như xây rãnh thoát nước, di dời công trình chăn nuôi mất mỹ quan, xây dựng vườn mẫu cũng gặp khó khăn.

Trong thời gian tới cần phát huy vai trò của người dân, để người dân được bàn bạc, thống nhất lựa chọn lĩnh vực phù hợp, là điểm mạnh của cộng đồng để phấn đấu trở thành kiểu mẫu. Thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu phải thật sự là mô hình điểm của xã về kinh tế, hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm.