Không thể để lọt người cách ly

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện vào cuối tuần qua. Theo Bộ Y tế, tính tới chiều tối 11-3, tại nước ta ghi nhận 39 ca dương tính với SARS-CoV-2, điều này đang đòi hỏi những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 cần có những phương án, kịch bản phù hợp và mạnh mẽ trong tình hình mới.

Kiểm tra thân nhiệt đối với người được cách ly tập trung. Ảnh: VĂN TIẾN
Kiểm tra thân nhiệt đối với người được cách ly tập trung. Ảnh: VĂN TIẾN

Còn những lỗ hổng

Trong khi cả xã hội đã và đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thì một số người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly đang khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến công sức cả xã hội ngăn dịch có nguy cơ đổ bể. Ðược biết, để ngăn ngừa dịch Covid-19, sân bay Nội Bài (Hà Nội) được xác định là cửa ngõ chiến lược, nơi tập trung các lực lượng cùng rà soát hành khách nhập cảnh, gồm lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), lực lượng An ninh cửa khẩu (Bộ Công an)... Vậy nhưng, nữ hành khách đi trên chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Nội Bài (Việt Nam) lúc 4 giờ 30 phút ngày 2-3 không bị cách ly theo quy định, được cho là nguyên nhân lây lan nhiều người khác trên chuyến bay VN0054. Cho đến nay, liên quan chuyến bay này đã phát hiện 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Ðiều này khiến dư luận đặc biệt quan tâm và băn khoăn về quy trình kiểm tra từ an ninh tới y tế tại sân bay đã để "lọt" người trở về từ vùng dịch. Sau vụ việc bệnh nhân Covid-19 thứ 17 N.H.N, những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp ông L.T.H, Chủ tịch HÐQT Công ty Ðầu tư xây dựng và thương mại P.Ð (người đi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên Huế, có hành khách bị nhiễm Covid-19), đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng, thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình. Liên quan trường hợp này, chiều 10-3, bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị (nơi đặt trung tâm cách ly), cho biết trong nhiều lần tiếp xúc, ông L.T.H đã gửi lời xin lỗi đến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vì đã làm phiền và hứa sẽ chấp hành mọi nội quy, quy chế của khu cách ly.

Nhưng không chỉ hai trường hợp trên, thực tế trong khi cả nước đang nỗ lực gồng mình ngăn chặn dịch bệnh lây lan, vẫn còn không ít người về từ hoặc đi qua vùng có dịch "không hiểu sao" vẫn lọt qua cửa kiểm dịch về khu dân cư; được yêu cầu cách ly tại gia đình lại "trốn", hoặc không tuân thủ... Một chuyên gia y tế chia sẻ, những thống kê sơ bộ liên quan từ bệnh nhân số 17 tại Hà Nội có thể cho thấy những thiệt hại rất lớn nếu có thêm một ca bệnh không được cách ly và kiểm soát do khai báo y tế không trung thực. Bên cạnh các cá nhân, theo Bộ Y tế, một số cơ sở đã không thực hiện nghiêm sàng lọc, phân luồng, quản lý để lọt ca bệnh không được cách ly và quản lý kịp thời. Thời gian qua, ngành y tế đã phải tạm đóng cửa cơ sở Yên Ninh, cách ly hơn 19 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Hồng Ngọc do tiếp nhận N.H.N trước khi bệnh nhân này được xác định nhiễm Covid-19. Ðây là hậu quả của việc khám sai quy trình, làm không đúng khuyến cáo của ngành y tế.

Tránh bỏ sót bệnh nhân

Trước tình hình trên, ngày 10-3, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường sàng lọc, phân luồng, quản lý ca bệnh Covid-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Ông Trần Ðắc Phu, cố vấn Trung tâm ứng phó sự kiện công cộng khẩn cấp, cho rằng, cách ly y tế trước hết đòi hỏi tự nguyện của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân họ và người thân, người sống gần; chính quyền địa phương cần tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ. Theo ông Phu, các hành vi vi phạm được phát hiện đều đã có quy định tại Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; mức phạt có thể từ 2 - 10 triệu đồng. Vấn đề xử lý nghiêm hay không thuộc trách nhiệm của địa phương.

Phía địa phương, Hà Nội, nơi được coi là điểm nóng hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã yêu cầu các xã, phường phải thông báo cho hàng xóm của những người bị cách ly để ngoài chính quyền phường, tổ dân phố thì chính người dân cũng giám sát lẫn nhau. Hiện 100% số người thuộc diện cách ly của Hà Nội mới qua 10 ngày (từ ngày 2-3 đến 12-3), nên đây chính là giai đoạn mà nếu họ có nhiễm virus thì rất dễ phát bệnh và lây lan cho người khác, do đó, chính quyền phường được yêu cầu "tuyệt đối không được nể nang", phải giải thích được với người bị cách ly về nguy cơ cho chính họ và nguy cơ cho cộng đồng.

Bộ Y tế trước đó cũng đã công bố địa chỉ và đường dây nóng của 21 bệnh viện trọng điểm tiếp người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19. Bởi vậy, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ở thời điểm hiện tại, bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ không nên đến khám ở các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế, hoặc cơ sở y tế địa phương tuyến quận, huyện khác. Như vậy sẽ phải thêm một bước chuyển tới các bệnh viện nói trên, hoặc tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, đồng thời dễ gây hệ lụy lây nhiễm bệnh trong quá trình thăm khám và chuyển tuyến bệnh nhân. Nếu các cơ sở y tế bỏ sót quy trình sàng lọc và cách ly ban đầu thì có thể gây ra mối nguy hiểm rất lớn trong cộng đồng.

Dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, đang rất cần sự tự giác của người dân khi khai báo y tế. Phía cơ quan chức năng cần nỗ lực sàng lọc bệnh nhân từ ba nguồn: cửa khẩu, tại cơ sở y tế nếu có bệnh nhân đến khám bệnh và tại cộng đồng, trong hoạt động rà soát những người nước ngoài, phải đồng bộ ba biện pháp này mới tăng cường sàng lọc và giám sát bệnh nhân. Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát hoạt động nhập cảnh kỹ hơn, không để "lọt lưới" những người nhiễm bệnh, hay nguy cơ nhiễm bệnh cao.