Không để tội phạm ma túy lộng hành

Biến buồng bệnh thành nơi tổ chức sử dụng trái phép ma túy, hơn thế còn tạo thành điểm giao dịch, mua bán, tàng trữ chất gây nghiện… Vụ việc chấn động này đã làm phát lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý, phòng, chống tội phạm ma túy.

Số ma túy thu giữ được tại BV Tâm thần Trung ương 1. (Ảnh Công an Hà Nội cung cấp)
Số ma túy thu giữ được tại BV Tâm thần Trung ương 1. (Ảnh Công an Hà Nội cung cấp)

Bảo kê cho tội phạm núp bóng bệnh nhân tâm thần?

Những ngày này, vụ việc Nguyễn Xuân Quý bị Công an TP Hà Nội bắt về hành vi mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại chính Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1 (đặt tại huyện Thường Tín, Hà Nội) đã khiến công luận hết sức bất bình. Ngoài Quý, bốn đồng phạm khác đã bị bắt giữ. Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, đánh giá đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, gây tác động xã hội lớn. Từ bao giờ và tại sao một địa chỉ khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần ở tuyến cao nhất trong cả nước, lại để xảy ra tình trạng tội phạm về ma túy có thể ngang nhiên lộng hành?

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế và trả lời chất vấn của các cơ quan chức năng, báo chí, lãnh đạo BV Tâm thần Trung ương 1, luôn khẳng định không biết có sự việc bệnh nhân cải tạo phòng trong BV, cũng như không hề biết việc Quý có thể tự do ra vào BV… Thậm chí, Phó Giám đốc Nguyễn Tấn Đại còn tự tin: "BV luôn có các quy chế, quy định về khám, chữa bệnh, quản lý người bệnh điều trị nội trú rất chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế. BV thường xuyên họp giao ban vào thứ hai hằng tuần, nhưng Ban Giám đốc BV không hề nghe về việc Nguyễn Xuân Quý tổ chức sử dụng ma túy tại đây".

Tuy nhiên, câu trả lời cũng không được chính Bộ Y tế chấp nhận. Bộ này đang yêu cầu Ban lãnh đạo BV phải giải trình nhiều câu hỏi liên quan việc quản lý bệnh nhân cũng như làm rõ việc có hay không hành vi BV, nhân viên y tế nhận tiền hối lộ của Quý để bao che, bảo kê cho việc lập phòng ma túy ngay trong khuôn viên BV?

Về nghi vấn này, luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) nêu quan điểm: Nếu không có sự cho phép của người có thẩm quyền, thử hỏi đối tượng Nguyễn Xuân Quý có thể "bay lắc" trong BV được không? Ngày nào, các bác sĩ cũng phải thăm khám, không thể không biết việc Quý trong một thời gian dài đã cải tạo phòng điều trị thành "động bay lắc" có cách âm. "Theo tôi, việc này có dấu hiệu phạm tội Tổ chức sử dụng ma túy quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2017. Khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù theo khoản 2 Điều này, vì có hai người tham gia bay lắc trở lên", luật sư Hùng nêu vấn đề.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu BV này để xảy ra những sự việc nghiêm trọng, gây bất bình dư luận như vậy. Vào năm 2015, Công an TP Hà Nội đã triệt phá vụ án Hoàng Thế Bảo giả tâm thần, nương náu trong BV Tâm thần Trung ương 1 để ngày làm bệnh nhân, ban đêm ra ngoài điều hành đường dây bán ma túy. Vụ việc được đưa ra ánh sáng mới lộ rõ những thủ đoạn của tội phạm giả điên thoát tội, trong đó có sự tiếp tay của không ít y, bác sĩ. Tiếp đó, năm 2017 cơ quan chức năng đã khởi tố Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, vì liên quan việc làm giả nhiều hồ sơ bệnh án tâm thần.

Với một BV từng có nhiều vụ việc bác sĩ, nhân viên y tế bị xử lý hình sự, cũng cần phải xem xét công tác thanh, kiểm tra của Bộ Y tế. Luật sư Trương Tiến Hùng cho rằng, cần phải xem lại trách nhiệm của những cán bộ được giao kiểm tra đánh giá hoạt động, chất lượng bệnh viện, xem đã làm hết chức trách chưa, thậm chí phải xử lý nếu để lọt vi phạm.

Để giải quyết những lỗ hổng trong quản lý tại BV Tâm thần Trung ương 1, thiết nghĩ Bộ Y tế phải có nhiều biện pháp xử lý nghiêm, đồng thời đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hồ sơ, giám định bệnh nhân tâm thần, không để tội phạm núp bóng bệnh nhân tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Cũng như cần phải hoàn thiện đi đôi với giám sát chặt chẽ quá trình điều trị bệnh tại đây.

Mạnh tay chặt "vòi bạch tuộc"

Chúng tôi đã làm việc với nhiều cán bộ, chiến sĩ công an ở nhiều tỉnh, thành phố và đều được chia sẻ, công tác đấu tranh với các đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép ma túy luôn hết sức phức tạp, gian khó và thậm chí vô cùng nguy hiểm. Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), muốn xử lý rốt ráo vấn đề phải chặt được "vòi bạch tuộc" của các đường dây mua bán ma túy lớn, đây chính là "nguồn sống" của các đối tượng mua bán nhỏ, lẻ.

Cũng theo lãnh đạo của Cục, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH). Đây là tuyến chịu tác động nhanh, trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực "Tam giác vàng". Tại khu vực Tây Bắc, tội phạm ma túy luôn tìm cách thay đổi hướng vận chuyển, trong đó đáng chú ý là có xu hướng dịch chuyển mạnh sang địa bàn các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Còn tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, nơi tình hình tội phạm ma túy có liên quan người nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp, trở thành "điểm nóng" ma túy của Việt Nam trong thời gian gần đây, có những vụ cơ quan đánh án thu giữ gần 1.000 bánh heroin và một tấn MTTH. Các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước trong thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu hàng hóa, dùng thủ đoạn với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong", ngụy trang mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép ma túy với số lượng lớn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: "Năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội và kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Cục cũng tăng cường kiểm tra, giải quyết các điểm, tụ điểm sản xuất, mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép các chất ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận…

Tội phạm ma túy gia tăng theo sự chi phối của vòng quay của "cung - cầu". Triệt phá nguồn cung còn phải đi đôi với ngăn chặn nguồn cầu. Điều đó đòi hỏi phải có sự đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, và giám sát sau cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, ngăn chặn nguồn cung đã cam go, chặt đứt nguồn cầu cũng muôn phần nan giải, nhất là khi những chính sách đối với việc cai nghiện ma túy cũng đang cho thấy còn nhiều bất cập. Phóng viên Nhân Dân cuối tuần sẽ tiếp tục có thêm bài viết về vấn đề này để thông qua đó, góp phần đưa đến những kiến nghị giúp có thêm công cụ hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm ma túy từ gốc và đa chiều.

Từ ngày 15-12-2019 đến 14-11-2020, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ: 738,35 kg heroin, 3.430,8 kg cùng 2.066.637 viên MTTH, 254,4 kg cần sa và nhiều vật chứng liên quan đến vụ án.