Không để bất ngờ trước thiên tai

Theo nhận định của chuyên gia Khí tượng thủy văn, ở nước ta năm 2020 là năm dị thường về thời tiết, thiên tai hết sức khắc nghiệt. Nhất là tại các tỉnh Trung Bộ, trong tháng 10, 11 này sẽ là cao điểm đón bão, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch ứng phó, không để bị bất ngờ, đề phòng tình trạng đa thiên tai nếu các cơn bão xảy ra đồng thời, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ.

Nước lũ dâng cao gây ngập tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PHI LONG
Nước lũ dâng cao gây ngập tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PHI LONG

Xuất hiện La Nina dịp cuối năm

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lũ trong những ngày vừa qua ở các tỉnh miền trung chỉ là dấu hiệu ban đầu, thời gian tới dự báo sẽ còn có mưa lũ kéo dài và phức tạp hơn.

Ông Khiêm phân tích thêm, năm nay sẽ là một năm thiên tai, bão lũ rất phức tạp. Năm mà khí quyển chuyển sang trạng thái La Nina. Đặc biệt là khu vực miền trung sẽ có nhiều trận mưa lũ dồn dập và kéo dài. Dự báo hiện tượng La Nina còn kéo dài trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Thông thường trong những năm xảy ra La Nina, bão và áp thấp nhiệt đới thường xảy ra nhiều hơn vào nửa cuối mùa mưa bão (tháng 9, 10, 11); số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng của bão đến nước ta nhiều hơn bình thường khoảng 28%. Mùa bão cũng kết thúc muộn hơn bình thường và kéo dài về cuối năm, tập trung nhiều ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. La Nina gây thâm hụt lượng mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhưng lại gây ra lượng mưa vượt trung bình ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Với những tác động chung của hiện tượng La Nina đến thời tiết Việt Nam, kết hợp với các phương án dự báo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định từ tháng 10-2020 - 3-2021 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam. Do đó, đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền trung trong các tháng 10 và tháng 11, đặc biệt khu vực trung và nam Trung Bộ. “Người dân miền trung cần đặc biệt chú ý, mưa lớn với cường độ lớn và kéo dài ngày thì nguy cơ rất cao sẽ xảy ra lũ quét ở vùng núi và trung du, ngập lụt ở vùng trũng, đô thị”, ông Khiêm khuyến cáo.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo

Để ứng phó với mưa lũ dồn dập do La Nina theo dự báo, theo các chuyên gia, hệ thống đê điều giữ vai trò quan trọng. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nếu các trận mưa cực đoan xảy ra (như: trận mưa lớn năm 2008 gây lụt Hà Nội; mưa lũ lịch sử năm 2015 tại khu vực Đông Bắc, năm 2017 tại miền trung… ), khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du thì khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều. Do đó, cần phải tính đến kịch bản để các hồ chứa, dự án thủy điện để bảo đảm an toàn cho khu vực; cũng như bảo đảm quy trình vận hành liên hồ chứa đúng khoa học, sát thực tế nhất. “Mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở miền trung thời gian tới, Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai tại các địa phương và Bộ Công thương phải tập trung điều hành xả lũ khoa học, nhuần nhuyễn và có thực tiễn. Công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đặc biệt chú ý việc điều hành, điều tiết, cắt lũ phải rất “nghệ thuật” để tránh các thiệt hại lũ chồng lũ do xả lũ” - ông Cường nhấn mạnh.

Ứng phó mưa lũ kịp thời, một điểm lưu ý theo ông Cường là tất cả các đơn vị, các thành viên của Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai tại các địa phương phải tập trung xuống cơ sở, để phối kết hợp, làm sao bảo đảm giao thông, bảo đảm phương án điện, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân, khắc phục sau khi nước rút không để dịch bệnh xảy ra. “Tất cả phải tập trung vào để không chỉ ứng phó cho đợt này mà theo phương châm chỉ đạo và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị những cơ sở tốt nhất để chúng ta có thể chủ động ứng phó cho những hiện tượng thiên tai dị thường của thời gian tới đây”, ông Cường nói.

Trong bối cảnh thiên tai đang ngày càng cực đoan, khó lường, theo các chuyên gia, chúng ta phải chủ động các giải pháp, kịch bản ứng phó. Trong đó, phòng hơn chống, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng, chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm bốn tại chỗ. Đi đôi với những giải pháp ứng phó với thiên tai trước mắt, cần tính toán đến những câu chuyện dài hơi hơn từ các chương trình, dự án để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, biện pháp chỉ đạo của từng cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, tổng huy động nguồn lực, trong đó toàn thể nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, lúc nào cũng thường trực với phương châm “phát triển đi đôi với bền vững” để có biện pháp thích ứng rộng rãi.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1393/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới. Những ngày tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, cho nên, để hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Định và Tây Nguyên tiếp tục bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân: sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu, nhất là qua các ngầm tràn, các bến đò. Đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển; chủ động di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm; bảo vệ đê điều, hồ đập; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản,… Bảo đảm an toàn cho phương tiện hoạt động vận tải, không để tình trạng xảy ra các sự cố, hoạt động sản xuất, vận hành an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện, khắc phục hậu quả mưa lũ...