Hạn - mặn tại châu thổ sông Cửu Long

Khẩn cấp ứng phó

Những diễn biến bất thường của dòng chảy sông Mê Công đang tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ThS Nguyễn Hữu Thiện (ảnh bên), chuyên gia độc lập về ĐBSCL, về những giải pháp ứng phó cấp thời.

Thanh niên xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hỗ trợ cấp nước ngọt cho người dân (ảnh chụp mùa hạn - mặn năm 2020). Ảnh: Trường Giang
Thanh niên xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hỗ trợ cấp nước ngọt cho người dân (ảnh chụp mùa hạn - mặn năm 2020). Ảnh: Trường Giang

- Thưa ông, cơ quan chức năng nước ta đã phát đi cảnh báo khẩn về những bất thường trong dòng chảy của sông Mê Công hiện nay. Cụ thể, tình hình đang diễn ra như thế nào?
 
 - Tình hình mùa nước năm 2020 tại tất cả các trạm trên sông Mê Công từ Chiang Sean tại biên giới Lào - Trung Quốc đến Kratie ở Cam-pu-chia đều thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 - 4 m, nhưng vẫn cao hơn mực nước thấp nhất của năm 2019 khoảng 2 m ở tất cả các trạm. Nếu chỉ căn cứ vào mực nước mùa lũ, có thể thấy mùa khô năm 2021 sẽ không gay gắt như mùa khô đầu năm 2020. Tuy nhiên, còn phải tính đến yếu tố sự vận hành của các đập thủy điện cả ở dòng chính và dòng nhánh.

Khẩn cấp ứng phó -0

  Theo Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC), lưu lượng nước tại đoạn sông bên dưới đập Cảnh Hồng đã sụt giảm do Trung Quốc đóng đập Cảnh Hồng để duy trì lưới điện từ ngày 5 đến 24-1-2021. Đoạn sông Mê Công bên dưới ở Thái-lan cũng sụt giảm mạnh. Phía Trung Quốc cũng thông báo cho MRC rằng mực nước sẽ dần được khôi phục lại tình trạng ban đầu vào ngày 25-1. Bên cạnh đó, vì mực nước mùa lũ 2020 dù cao hơn 2019 khoảng 2 mét nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm, các nhà vận hành các đập khác trong lưu vực Mê Công có thể lo thiếu nước để phát điện trong mùa khô nên đã tích cực trữ nước lại trong hồ ngay đầu mùa khô làm cho mực nước sông Mê Công thấp bất thường. Ngoài các đập ở Trung Quốc và ở dòng chính, ở các sông nhánh phía tả ngạn sông Mê Công cũng có hàng chục đập chi lưu. Tính về lượng nước trung bình hằng năm thì phần tả ngạn đóng góp một phần rất quan trọng, đến 35% tổng dòng chảy cả năm của sông Mê Công (trung bình 475 tỷ m3/năm). Nếu các đập dòng nhánh này tích nước thì nước các sông nhánh chưa đổ ra được dòng chính. Trên dòng Nam Ou, một dòng nhánh sông Mê Công ở Lào, có bảy đập do Trung Quốc xây dựng đã tích nước làm cho tàu thuyền du lịch không thể đi lại được ở đoạn từ Nong Khiaw và Muang Ngoy.
 
 - Trong bối cảnh đó, ông dự báo về mùa khô 2020-2021, tình hình nước sông Mê Công và xâm nhập mặn tại ĐBSCL ra sao?
 
 - Để dự báo tình hình hạn - mặn ven biển ĐBSCL cần chia làm hai vùng để xét riêng vì hai vùng này khác nhau. Vùng bán đảo Cà Mau gồm một phần phía tây nam tỉnh Sóc Trăng, một phần phía tây nam tỉnh Hậu Giang, một phần phía nam tỉnh Kiên Giang, và toàn bộ tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau. Vùng ven biển cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, và một phần tỉnh Sóc Trăng gần cửa sông Trần Đề.
 
 Đối với vùng bán đảo Cà Mau, bản chất vùng này là đất bên dưới là đất mặn và có được sáu tháng nước ngọt là nhờ lớp nước mưa phủ lên trên bề mặt. Năm nào mưa nhiều thì nước ngọt vẫn còn kéo dài sang mùa khô và năm nào mưa ít thì lớp nước ngọt trên mặt cạn sớm. Việc khô hạn của mùa này, do đó, chỉ phụ thuộc vào lượng mưa tại chỗ, ít chịu ảnh hưởng của nước sông Mê Công. Từ đầu tháng 9-2020 đến nay, thời tiết đang trong tình trạng La Nina mưa nhiều, một số nơi ở vùng này như vùng trũng nơi giao nhau giữa Kiên Giang - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu đã bị úng do mưa nhiều. Theo đó, mùa khô năm nay vùng này sẽ ít có khả năng bị hạn.
 
 Đối với vùng ven biển cửa sông Cửu Long, tình hình chung là hạn - mặn năm nay ít gay gắt hơn mùa khô 2020. Tuy nhiên, do sự vận hành tích - xả của các đập thủy điện, mực nước sông Mê Công sẽ biến đổi bất thường, kéo theo là ranh giới xâm nhập mặn ở vùng này biến đổi, nhất là ở các nhánh phía bắc của sông Tiền gồm Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông. Trong đó, tỉnh Bến Tre và cả thành phố Bến Tre bị đe dọa nhiều nhất. Mặn có thể xuất hiện sớm trong một thời gian, sau đó mặn lại lùi ra khi các đập thủy điện Mê Công xả nước để phát điện trong mùa khô, và có thể mặn trở lại nếu thủy điện tiếp tục đóng đập.
 
 Tình hình hạn - mặn của vùng ven biển ĐBSCL chủ yếu do El Nino gây mưa ít trên toàn khu vực làm cho mực nước sông thấp. Bản thân các đập thủy điện không tự gây ra hạn được, nhưng khi gặp tình huống năm El Nino khô hạn thì thủy điện sẽ làm cho tình hình tồi tệ thêm hoặc biến động bất thường theo hoạt động tích - xả của các đập. Điều này đã được dự báo rõ trong báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện Mê Công do Trung tâm quản lý môi trường quốc tế (ICEM) thực hiện năm 2009-2010 theo ủy nhiệm của Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC).
 
 - Theo ông, giải pháp nào để ứng phó và hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn tại ĐBSCL thời gian tới?
 
 - Trước mắt, việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi diễn biến dòng chảy sông Mê Công mùa khô năm nay là rất cần thiết để các tỉnh và người dân có biện pháp trữ nước, né vụ, thu hoạch sớm, và các biện pháp khác phù hợp.
 
 Về lâu dài, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đang sắp hoàn thành sẽ đưa ra những định hướng phù hợp cho việc thích ứng với hạn - mặn vùng ven biển. Trong đó, về hệ thống canh tác ở vùng mặn sẽ được chuyển đổi sang canh tác mặn, vùng mặn ngọt theo mùa cũng sẽ chuyển đổi theo mùa, kèm theo các công trình cỡ nhỏ để điều tiết mặn vào những lúc giao mùa mặn - ngọt chứ không ngăn mặn triệt để. Vấn đề nước ngọt sinh hoạt sẽ được đầu tư giải quyết riêng bằng nhiều biện pháp và không gắn vào các công trình thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp vì chất lượng nước sinh hoạt đòi hỏi rất cao.
 
 Cần lưu ý, tình trạng La Nina được dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng tư, ở ĐBSCL mùa khô năm nay có thể sẽ có mưa trái mùa ảnh hưởng hoa màu, nhất là ở vùng giồng cát ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Cụ thể mưa trái mùa có thể ảnh hưởng đến vụ lúa đông - xuân trong thời kỳ ngậm sữa, đề phòng các hoa màu có củ như đậu phộng (lạc), củ hành có thể bị hư hỏng do úng cục bộ, hay như dưa hấu có thể bị nứt vỏ khi mưa trái mùa xảy ra trong mùa khô.
 
 - Xin cảm ơn ThS Nguyễn Hữu Thiện!