Hiểm họa trên các công trường xây dựng

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Lỗ hổng lớn nhất là trách nhiệm quản lý

Trung bình mỗi ngày, tai nạn lao động (TNLÐ) cướp đi sinh mạng của khoảng ba người, đe dọa sức khỏe của năm người lao động (NLÐ) khác. Ðau xót hơn nữa, nạn nhân các vụ tai nạn thường là lao động chính, khiến cho nhiều gia đình bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn. Thực tế đang đòi hỏi cần có những biện pháp cấp thiết và hiệu quả hơn nữa để ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, cải thiện điều kiện an toàn và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Lao động thời vụ ngành xây dựng vất vả, gặp nhiều thiệt thòi về chế độ bảo hiểm.
Lao động thời vụ ngành xây dựng vất vả, gặp nhiều thiệt thòi về chế độ bảo hiểm.

Những nỗi đau dai dẳng

Nhìn người con trai đang nằm bất động trên giường, chân tay teo tóp, ông Nguyễn Khắc Thiệu ở xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An) lại ứa nước mắt. Tai họa ập đến với gia đình ông quá bất ngờ, đau đớn và dai dẳng đến hiện tại vẫn chưa hề nguôi ngoai. Con trai của ông là Nguyễn Khắc Nam (sinh năm 1993), tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Giữa năm 2018, sau một thời gian kết hôn Nam vô cùng hạnh phúc khi biết tin vợ đã có bầu. Mong ngóng được lên chức bố và muốn lo cho con cuộc sống đầy đủ, Nam đi làm không biết mệt mỏi.

Thế nhưng tai nạn bất ngờ ập đến, khiến bao dự định tương lai của một người sắp được làm bố tan thành mây khói. Khi đang thi công tại công trường ở TP Vinh (Nghệ An), Nam bị rơi từ tầng 4 xuống đất. Vụ tai nạn khiến Nam bị chấn thương sọ não, dập phổi và lá lách, gãy sườn, gãy đùi… sau đó được chuyển ra Bệnh viện Việt Ðức cấp cứu và phẫu thuật. Dồn toàn lực để chữa trị cho Nam, nên tài sản đáng giá trong nhà dần bị bán hết, nợ nần thì cứ chất chồng, mà người vẫn mang thương tật nặng, gia cảnh nhà ông Thiệu ngày càng túng quẫn.

Thôn Dươi, xã Ðoàn Thượng (Gia Lộc, Hải Dương) là nơi có nhiều người đi làm tại các công trình xây dựng. Có thời điểm toàn xã Ðoàn Thượng có hai chục nhóm thợ tự phát do một số người đứng ra thành lập, đi nhận công trình và tổ chức thi công. Công nhân lao động ở đây cũng không ít người gặp tai nạn, đã có trường hợp tử vong.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLÐ tại các công trường xây dựng là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre… trong đó có nhiều vụ hai người chết trở lên và nhiều người bị thương. Ðiều đáng nói, do thiếu lao động nên rất nhiều công nhân làm việc ở khu vực này không được đào tạo qua trường lớp hoặc được bồi dưỡng ở những khóa đào tạo ngắn ngày. Họ chủ yếu là lao động tự do, thời vụ, được tuyển đi làm phu hồ, phụ xây, vận chuyển vật liệu xây dựng lên các công trình… Ðiều này làm tăng nguy cơ dẫn đến những sự cố, tai nạn trong quá trình làm việc, nhất là ở các công trình lớn, cao tầng.

Phòng ngừa hay khắc phục?

Theo nhiều chuyên gia thì TNLÐ thường xảy ra do một số nguyên nhân như người sử dụng lao động, NLÐ vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ). Ðặc biệt, do nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì mục tiêu giảm chi phí, và sự lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề ATVSLÐ của các cơ quan chức năng, nên các doanh nghiệp (DN) hầu hết chưa chú trọng việc tổ chức huấn luyện ATVSLÐ cho NLÐ; Không xây dựng kế hoạch ATVSLÐ, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLÐ, không trang bị phương tiện bảo hộ; Không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt. Về phía NLÐ thiếu ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLÐ, không sử dụng thiết bị an toàn lao động, nhất là những lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng.

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội), lúc này cần rất nhiều giải pháp để hướng tới môi trường lao động an toàn lĩnh vực xây dựng. Với hệ thống các quy định hiện hành, quy định về danh mục nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được đề cập, tuy nhiên, lại được đưa ra trong nhiều văn bản, gây khó khăn cho công tác tra cứu, thực hiện. Một số lĩnh vực, nội dung có sự đan xen giữa các luật chuyên ngành, như: các quy định về an toàn trong hóa chất, an toàn trong xây dựng, quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và kiểm tra chất lượng về ATVSLÐ đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động... sự mâu thuẫn, trùng lắp giữa các luật này gây khó khăn cho các DN khi thực hiện.

“Còn những lỗ hổng khác cũng cần được lấp đầy. Như hiện vẫn còn bất cập trong công tác huấn luyện ATVSLÐ, bởi có nhiều DN thuê đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện ATVSLÐ, nhưng yêu cầu giảm giờ học để giảm chi phí dẫn đến hạ thấp chất lượng huấn luyện. Tuy nhiên, trong quy định xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về hành vi này”, ông Dưỡng nhấn mạnh.

Theo Cục An toàn Lao động (Bộ LÐ-TB&XH), để kéo giảm TNLÐ, cả DN, NLÐ và các đơn vị quản lý phải chung tay. Ðối với các DN cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLÐ, phòng, chống cháy nổ, tăng cường đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng, chống cháy nổ, xây dựng và củng cố hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, NLÐ phải tự nâng cao nhận thức về quyền của mình trong an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, yêu cầu DN cung cấp bảo hộ lao động, lối thoát hiểm theo đúng quy định.

Cùng đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc DN thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, không để DN bưng bít thông tin, đẩy NLÐ vào thế bị động, nguy hiểm. Khi xảy ra tai nạn phải tiến hành khởi tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, số vụ TNLÐ nghiêm trọng bị đề nghị khởi tố chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ từ 3% đến 4%, và chỉ có 2% số vụ đưa ra xét xử.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đề cập vấn đề không có tai nạn trong lao động. Ở Phần Lan, từ cuối năm 2003 đã khởi động một diễn đàn “không tai nạn” nhằm giới thiệu những bài học thành công trong việc phòng tránh TNLÐ. Nhật Bản cũng từng là quốc gia có số người bị TNLÐ rất cao. Nhưng thực trạng này đã thay đổi từ khi Chính phủ Nhật Bản phát động phong trào “không tai nạn” vào năm 1973, nêu cao văn hóa an toàn trong xây dựng. Như vậy, TNLÐ có thể được kéo giảm xuống mức thấp nhất nếu xây dựng được văn hóa an toàn từ đó kiểm soát tốt các yếu tố chủ quan từ con người như hành vi và điều kiện làm việc. Chia sẻ những kinh nghiệm qua việc nghiên cứu nhằm giảm bệnh tật và thương tích liên quan công việc, TS Margaret Kitt, Phó Viện trưởng Khoa học An toàn vệ sinh lao động quốc gia Mỹ - một trong những tổ chức đi đầu về công tác ATVSLÐ tại Mỹ, cho rằng, cùng với tư duy sản xuất thay vì chỉ suy nghĩ làm thế nào để tăng năng suất, DN cần có tư duy an toàn. DN phải cải thiện môi trường, xây dựng nơi làm việc an toàn, lành mạnh, bảo đảm sức khỏe và nâng cao phúc lợi cho NLÐ, sẽ góp phần giảm tai nạn trong lao động và giúp NLÐ sống hạnh phúc hơn.

GS,TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLÐ Việt Nam cho biết thêm, chúng ta cần xây dựng các mô hình văn hóa an toàn trong xây dựng, sản xuất. Ðiều đó sẽ càng làm tăng trách nhiệm của DN, nhà đầu tư đối với NLÐ. Bởi chính các nhà đầu tư cũng đòi hỏi đối tác phải tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội mà phần lớn trong đó liên quan đến các quy định về an toàn và sức khỏe NLÐ, về môi trường lao động, điều kiện làm việc cho công nhân, NLÐ. Các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phòng ngừa một cách hiệu quả, chứ không phải chạy theo để khắc phục hậu quả.

Trong bối cảnh các công trình xây dựng mọc lên trên khắp các nẻo đường đất nước, vấn đề ATLÐ, bảo đảm điều kiện, môi trường cho NLÐ cần phải được đặc biệt ưu tiên, giúp hạn chế, giảm bớt nỗi đau cho rất nhiều gia đình, và gìn giữ sự bình yên cho xã hội.

* Hiểm họa trên các công trường xây dựng (Kỳ 1)