Hãy lên tiếng!

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ bạo hành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý trẻ em xảy ra ngay tại nơi vốn dĩ phải là "mái ấm gia đình" bị phát giác. Ðáng tiếc, hầu hết các vụ việc có thể đã được ngăn chặn kịp thời, nếu như những người chung quanh lên tiếng!?

Cho dù chỉ là dấu hiệu của hành vi bạo lực, Cục Trẻ em cũng khuyến khích người dân lên tiếng.
Cho dù chỉ là dấu hiệu của hành vi bạo lực, Cục Trẻ em cũng khuyến khích người dân lên tiếng.

"Tưởng đâu!"

"Giá như bà ngoại, hàng xóm của cháu bé biết đến Tổng đài 111", Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) Ðặng Hoa Nam đã phải thốt lên như vậy khi nói về vụ việc cháu bé ba tuổi bị chính mẹ đẻ và bố dượng bạo hành trong suốt cả tháng trời, hồi tháng tư vừa qua.

Không khó để bắt gặp những lời như thế này từ người dân sống chung quanh nơi xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, đặc biệt khi người gây ra hành vi này là chính người thân của các em: "Nhỡ đâu tôi báo lên công an, người ta lại bảo đấy là bố mẹ dạy con, nhà ai chả thế, thì sao?". Và thường thì họ chỉ nhận ra sự nghiêm trọng của vụ việc khi cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân không tố giác hành vi bạo hành trẻ em là bởi tâm lý sợ bị trả thù, hoặc e ngại trình báo chỉ khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Ðiển hình như vụ bé gái sáu tuổi bị bố đẻ là ông Ðặng Trung Kiên bạo hành dã man ở Bắc Ninh, ngày 5-9 vừa qua. Trước đó, Tổ trưởng dân phố đã từng bị Kiên đe dọa rằng nếu nói lung tung sẽ đâm chết, và thế là họ im lặng.

Hay như một thành viên trang fanpage Diễn đàn bảo vệ trẻ em, sau khi chứng kiến và ghi lại video hành vi bạo hành trẻ em của người hàng xóm, đã báo cho cơ quan chức năng. Sau đó không lâu, cũng đã có cán bộ đến can thiệp, thế nhưng ngay khi vừa kết thúc buổi làm việc, người tố giác đã bị đương sự chửi bới, dọa nạt.

Cần đúng nơi và đúng cách

Bởi tâm lý lo sợ đó, không ít nhân chứng đã quay lại các video hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em sau đó đăng lên mạng xã hội. Việc quay lại clip sẽ phát huy hiệu quả rất lớn khi được sử dụng làm bằng chứng tố cáo, nhưng nếu đăng công khai như vậy cũng khiến thông tin của các em bị lộ, ảnh hưởng đến đời sống riêng.

Một khó khăn nữa, phần lớn vụ việc được tiếp nhận thông qua mạng xã hội, Tổng đài 111 phải mất rất nhiều thời gian xác minh (tên, tuổi, địa chỉ, người giám hộ/chăm sóc, chi tiết sự việc), bởi thiếu sự phối hợp của người cung cấp. Ðể tăng tính bảo mật, an toàn hơn cho người tố giác, cũng như tạo thêm nhiều kênh tương tác, Cục Trẻ em, Quỹ ChildFund Việt Nam và Microsoft đã phát triển phần mềm ứng dụng "Tổng đài 111" trên điện thoại. Từ đó người dùng có thể báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại một cách kịp thời. Hiện đã có nhiều phương thức liên hệ, cũng như đơn vị tiếp nhận, hỗ trợ trẻ em bị bạo hành.

Nghị định 56/2017/NÐ-CP của Chính phủ, Ðiều 25 đã đề cập rất rõ về trách nhiệm trình báo của mỗi cá nhân khi chứng kiến, hoặc nghi ngờ về nguy cơ bị bạo hành, xâm hại của trẻ. Bốn đầu mối tiếp nhận thông tin gồm: Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, và cơ quan LÐ-TB&XH các cấp. Tuy nhiên, người dân hiện còn tâm lý e ngại khi cung cấp thông tin các vụ việc liên quan bạo hành, xâm hại trẻ em.

Bà Rana Flowers, Trưởng Ðại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em, cần có ngân sách và nguồn nhân lực bài bản để xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em hiệu quả. Các ngành chức năng cũng cần thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, để người dân hiểu rõ bản thân có trách nhiệm như thế nào, được bảo vệ ra sao.

Bảo vệ trẻ em - trách nhiệm không của riêng ai. Với liên tiếp những vụ việc nghiêm trọng thời gian qua, trước ánh mắt trẻ thơ, mỗi chúng ta không được phép bàng quan.

NGUYỄN HÀ