Hành trình của những ước mơ

Họ là những người trẻ thuộc thế hệ 9X và có cùng ước mơ sáng tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường. Bằng trí tuệ, niềm đam mê và sự năng động, họ đã biến những ý tưởng độc đáo của mình thành hiện thực, lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh trong cuộc sống hiện đại.

Trần Thị Diễm My với sản phẩm túi biết thở của mình.
Trần Thị Diễm My với sản phẩm túi biết thở của mình.

Khi chiếc túi… biết thở

Cầm trên tay sản phẩm của cô gái trẻ Trần Thị Diễm My, khách hàng có cảm tình với những hình ảnh minh họa dễ thương trên chiếp hộp đựng túi chứa thực phẩm, cùng dòng chữ ngộ nghĩnh, là lạ: "Chào bạn, tớ là Túi biết thở". Cô gái sinh năm 1991 này cho biết, đặt tên cho sản phẩm là túi biết thở vì nó có cơ chế hoạt động như tấm da người, có thể giúp trái cây hô hấp thường xuyên qua màng túi. Với thành phần trăm phần trăm làm từ nguyên liệu sinh học gồm bột và nhựa polyethylene, những chiếc túi của cô gái tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh không thấm nước nhưng có thể cho không khí thẩm thấu qua. Không khí được tuần hoàn liên tục trong túi, giảm nhiệt độ phát sinh, do đó giữ cho rau củ tươi lâu hơn. Ðặc biệt, túi biết thở sẽ tự phân hủy trong vòng sáu tháng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.

Diễm My cho biết, đây là dự án khởi nghiệp của cô đã đạt nhiều giải thưởng cũng như luôn được đánh giá cao tại các cuộc thi khởi nghiệp trong năm 2020. Ý tưởng ra đời chiếc túi sinh học này nảy sinh ngay trong "mùa Covid-19". Diễm My nhớ lại, đó là vào khoảng tháng ba, khi cô nghe thông tin những mặt hàng nông sản của Việt Nam không xuất khẩu được vì Covid-19 nên bị hư hỏng nhiều, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Diễm My chợt nảy ra ý nghĩ phải làm những chiếc túi đựng có công dụng bảo quản nông sản tươi lâu, an toàn hơn nhưng vẫn thân thiện môi trường. Và cô gái quê Phú Yên đã bắt tay cùng cộng sự, biến ý tưởng thành hiện thực. "Quá trình nghiên cứu để làm sao cho ra được sản phẩm như mong muốn chính là khâu vất vả nhất.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 thời điểm ấy đang lan ra cộng đồng nên công việc có phần khó khăn hơn. Dù vậy, đến tháng 7, sản phẩm đã ra đời"- Diễm My chia sẻ. Trước khi đưa ra thị trường, Diễm My và các cộng sự đã thử nghiệm trên nhiều loại trái cây, rau củ dễ bị úng và kết quả cho thấy, khi đựng trong túi biết thở, thời gian giữ cho rau, quả được tươi xanh thường kéo dài hơn so khi đựng trong túi nhựa thông thường. Cụ thể như, nếu tại các cửa hàng tiện lợi, trái chuối chỉ để được khoảng ba ngày thì khi đựng trong túi biết thở sẽ kéo dài bảy đến 10 ngày. Ngoài ra, những loại trái cây khác như thanh long, xoài có thể giữ được an toàn hơn 30 ngày, các loại rau từ 15 đến 30 ngày...

Ðến nay, túi biết thở của Công ty Galaxy Biotech (quận 11, TP Hồ Chí Minh) đã đi vào nhiều chuỗi hàng cung cấp nông sản sạch cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Riêng với cá nhân Diễm My, cô đang cùng chiếc túi thân thiện tiếp tục tham gia dự án chống rác thải nhựa của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc để làm sạch môi trường tại vịnh Hạ Long.

Tấm ngói làm từ… rác thải nhựa

Căn phòng nhỏ nằm trong khu học tập của sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là văn phòng làm việc của ban lãnh đạo Công ty cổ phần PANDO. Tổng giám đốc công ty là bạn Phạm Mạnh Ðình, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ thông tin. Phạm Mạnh Ðình cho biết, công ty được thành lập vào tháng 5-2020 với mục đích mang đến những giá trị bền vững cho xã hội. Dự án mà công ty đang theo đuổi là sản xuất ra gạch, ngói từ rác thải nhựa.

Ðây cũng là ý tưởng của Phạm Mạnh Ðình khi còn là học sinh Trường THPT Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk. Anh kể, khi còn ở quê nhà, những ngày trời mưa, nhìn thấy rác thải nhựa trôi đầy theo dòng nước, anh nghĩ có cách nào biến chúng thành những sản phẩm có ích, không để tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Rồi anh nhìn lên mái nhà của mình, tự hỏi: Sao mình không làm ra những tấm ngói từ rác thải nhựa để ngôi nhà chắc chắn hơn?- "Tôi bắt đầu nghiên cứu, nuôi dưỡng ý tưởng làm ngói từ rác thải nhựa cho đến khi vào đại học và gặp được những người bạn cùng có ước mơ như mình"- Phạm Mạnh Ðình chia sẻ.

Mạnh Ðình cùng nhóm bạn sinh viên trong trường đã bắt đầu nghiên cứu sáng chế ra dây chuyền tự động hóa, sản xuất gạch lát và ngói nhà làm từ rác thải nhựa và cát. Sau nhiều công đoạn như thu gom rác, cắt nhỏ rác thải thành những hạt nhựa, trộn với tỷ lệ cát phù hợp để tạo nên nguyên liệu chính làm ra sản phẩm. Hỗn hợp nhựa - cát này còn gọi là vật liệu UNC sẽ được đưa vào khuôn để đóng thành gạch, ngói. Mạnh Ðình cho biết, thành phần của sản phẩm giúp tránh thấm nước và nhẹ hơn nhiều so gạch, ngói truyền thống. Ðặc biệt, tuổi thọ của sản phẩm có thể lên tới 80 năm và hoàn toàn có thể tái chế khi bị lão hóa hay xuống cấp. Nhóm cũng đã tiến hành nhiều bài kiểm tra và thấy rằng gạch, ngói làm từ rác thải nhựa đạt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Với những ưu điểm đó, dự án sản xuất gạch, ngói từ rác thải nhựa của nhóm PANDO đã đoạt nhiều giải trong các cuộc thi khởi nghiệp. Ðặc biệt, tại vòng chung kết Startup Wheel diễn ra trong tháng 11 vừa qua, dự án đã nhận được giải "Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất".

Phạm Mạnh Ðình chia sẻ, PANDO chỉ mới đi những bước đầu tiên, rất nhiều thử thách, khó khăn còn ở phía trước. Nhưng với khát vọng mãnh liệt, những chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm, đặt niềm tin lớn vào con đường mình đã chọn. Ðó là xây dựng một công ty tái chế mang thương hiệu Việt Nam hàng đầu khu vực, góp phần mang lại cuộc sống xanh bền vững cho mọi người.

Bài và ảnh: VÕ MẠNH HẢO

Tổ chức chuyên đề:
Ngô Phương Thảo, Nguyễn Văn Học