Gói hỗ trợ, làm sao cho trúng và đúng !

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần hai dành cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19, với tổng kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng. Làm thế nào để gói hỗ trợ lần này được triển khai đúng, trúng và nhanh nhất?
 

Người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2, quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn
Người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2, quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn

Lần một - khó tiếp cận
 
 Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 10-8, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đánh giá chung, việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành nhưng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ giải ngân được 17.500 tỷ đồng, bằng gần 30% của gói 62.000 tỷ đồng.
 
 Số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ là NLĐ còn ít so dự kiến ban đầu. NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại DN 15.909 người, chỉ đạt 1,59% so dự kiến ban đầu là một triệu người. Còn hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, số lượng hộ kinh doanh do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Chi cục Thuế đề nghị thẩm định là 30.964 hộ, chỉ đạt 4,07% so với dự kiến ban đầu là 760.000 hộ.
 
 Lý giải vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nguyên nhân là do thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ đúng lúc tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều. Thực tế, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5-2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các DN quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
 Tuy nhiên, ở góc độ người bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối châu Âu, chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc và da giày (đóng tại Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, DN còn hết sức khó khăn nhưng khó tiếp cận hỗ trợ. Tính đến thời điểm này, toàn bộ nguyên vật liệu may mặc gần như cạn kiệt, các đơn hàng bên ngoài thì chưa ký kết được. Công ty phải cắt giảm một nửa lao động, ông Thành nói.
 
 Nhiều DN và NLĐ cùng chung mong mỏi, trong giai đoạn rất khó khăn này, rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gói hỗ trợ trong đợt hai.
 
 Lần hai - tiêu chí đừng bắt bí
 
 Gói hỗ trợ lần hai do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đặt mục tiêu hướng tới DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Trong đó, ưu tiên DN nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh), NLĐ tại khu vực nông thôn. Dự kiến, kinh phí này hỗ trợ cho 10 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh với mức vay bình quân một tỷ đồng/cơ sở, và 100 nghìn lao động với mức vay bình quân khoảng 50 triệu đồng/lao động.
 
 Bên cạnh đó, công văn của Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi) qua hình thức trực tiếp bằng tiền. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người (hộ)/tháng và (hoặc) 1.000.000 đồng/trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian tối đa ba tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12-2020.
 
 Tuy nhiên, để gói hỗ trợ thật sự có hiệu quả đúng như mục đích và ý nghĩa mà Đảng và Nhà nước đưa ra, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí, điều kiện sát với thực tế để NLĐ và DN tiếp cận được với gói hỗ trợ, giải quyết bài toán đang vướng mắc ở gói hỗ trợ đợt một. Chị Thanh Vân, một trong số những người bán hàng rong, thuê trọ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, các chị làm hồ sơ gửi về phường nơi các chị thuê trọ không được duyệt, về quê làm cũng không được duyệt vì không thuộc hộ nghèo. TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, gói hỗ trợ lần hai cần phải có độ phủ rộng hơn, đồng thời nới lỏng điều kiện xác minh, xét duyệt.
 
 Đưa ra ý kiến về gói hỗ trợ lần hai, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, gói cần hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực DN nhằm ngăn chặn và giảm tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt. Do đó, cần rà soát các điều kiện để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng; tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất; đồng thời, xem xét cắt giảm giá điện cho khu vực DN, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn.
 
 Còn ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, ở gói hỗ trợ trước đây, các tiêu chí khá khắt khe khiến quá trình thực thi gặp khó, trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp, dòng tiền với DN là vô cùng quan trọng. Để các gói tín dụng triển khai có hiệu quả cần có cơ chế bảo lãnh của Chính phủ để các ngân hàng mạnh dạn cho vay và nhanh hơn trong khâu giải ngân.
 
 Là thành viên của tổ chức đang có các hoạt động nghiên cứu gói hỗ trợ tài chính cho NLĐ trong đại dịch, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam kiến nghị: UBND các tỉnh, thành phố cần huy động sự tham gia, giám sát trực tiếp của người dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần tiếp tục duy trì và mở rộng truyền thông, quảng bá số điện thoại đường dây nóng để người dân trực tiếp tham gia giám sát, khiếu nại, đóng góp ý kiến khi họ gặp khó khăn, cản trở trong quá trình thực hiện chính sách và các vấn đề khác nổi cộm ở địa phương. Cần áp dụng linh hoạt công nghệ thông tin trong thu thập ý kiến phản hồi của người dân về chất lượng của chính sách hỗ trợ để điều chỉnh kịp thời.
 
 Gói hỗ trợ đến đúng, kịp thời người cần là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam.
 
 

 Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới hơn 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Trong bảy tháng năm 2020, số DN tạm dừng kinh doanh tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.