Gỡ nút thắt để thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Vai trò này cần được phát huy ở tất cả các khâu trong mô hình liên kết giữa “các nhà” trong chuỗi giá trị.

Các đại biểu dự Tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Các đại biểu dự Tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Nhằm đánh giá đúng mức vai trò của truyền thông, đồng thời tạo cầu nối giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, mới đây, Báo Nhân Dân phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0”.

Đề cập trực tiếp đến vai trò của truyền thông thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong thời đại CMCN 4.0 là nội dung tham luận của dược sĩ Lê Phương Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm MyPharma. Tham luận đề xuất, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc xây dựng kênh truyền thông, nghiên cứu, đổi mới quan điểm, tư duy và cách thức triển khai từ các kênh truyền thống sang truyền thông xã hội trên nền tảng in-tơ-nét.

Đồng tình với dược sĩ Lê Phương Dung, một số đại biểu đề xuất: Cần phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường nghiên cứu, cùng xây dựng các kênh tra cứu thông tin để các cơ quan báo chí truyền thông thẩm định tính xác thực, làm căn cứ trước khi đưa tin bài về các sản phẩm có yếu tố khoa học. Việc này không chỉ bảo đảm giá trị hình ảnh cho các nhà khoa học, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nhận chuyển giao, mà quan trọng nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

BUỔI tọa đàm được điều hành linh hoạt với những nội dung phong phú,  hấp  dẫn, vừa tạo điều kiện để các đại biểu nêu ý kiến, thẳng thắn trao đổi nhằm tìm ra giải pháp, tiếng nói chung, vừa dành thời gian để các nhà khoa học giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao như: Kết quả quan trắc động đất, cảnh báo sóng thần; Hệ thống xử lý rác thải bệnh viện, nhà máy; Hệ thống phòng thí nghiệm về môi trường, dioxin, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường không khí; Hệ thống đánh giá thông tin sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử; Công nghệ quan trắc Vật lý địa cầu... Nhiều ý kiến nhận được sự chú ý của các đại biểu, các nhà báo như tham luận của TS Bùi Hùng Thắng (Viện Khoa học vật liệu), TS Lê Thị Nhi Công (Viện Công nghệ sinh học), TS Nguyễn Trường Thắng và ThS Trương Thị Minh Ngọc (Viện Công nghệ thông tin),…

Nhấn mạnh những nội dung chính của Kết luận số 50-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đồng chí Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trong phát biểu đề dẫn, đã khẳng định: Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, toàn xã hội về vị trí vai trò quan trọng của KH-CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế… Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, nhưng đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong nghiên cứu ứng dụng. Nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông nói chung, sự phối hợp tích cực giữa Báo Nhân Dân và Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam thời gian gần đây, nhất là việc giới thiệu các sản phẩm công nghệ, chuyển tải các kiến nghị, đề xuất giải pháp đến các cơ quan chức năng, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát biểu kết luận tọa đàm, PGS,TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, nhấn mạnh thêm, qua trao đổi của các đại biểu, nhất là từ doanh nghiệp, cho thấy nhiều vấn đề còn bất cập cần được tháo gỡ, dù Nhà nước đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ để chi cho phát triển KH-CN của doanh nghiệp, nhưng thực tế triển khai còn vướng mắc trong thủ tục giải ngân. Đây chính là nút thắt đối với việc phát triển, sử dụng các sản phẩm khoa học của các nhà khoa học Việt Nam, khuyến khích việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ của các viện nghiên cứu, nhà khoa học.