Giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn

Gắn với trách nhiệm người đứng đầu

"Lại một buổi sáng nâu và tím nữa rồi. Năm 2021 bắt đầu với những buổi sáng ô nhiễm không khí. Lại điệp khúc cũ, mọi người nên chú ý cẩn thận tự bảo vệ sức khỏe của mình" - dòng chia sẻ của Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam về chất lượng không khí ở Hà Nội làm nóng lên câu hỏi không mới. Cần phải làm gì để "lá phổi" của thành phố được bảo vệ?

Gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Không khó chỉ tên "thủ phạm"

Ðại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đưa ra dự báo: Từ nay đến tháng 3-2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh mà kết quả quan trắc của Chi cục Môi trường TP Hà Nội tại 35 trạm đo trên địa bàn (từ ngày 29-12-2020 đến 5-1-2021) cho thấy: Chỉ số chất lượng không khí xu hướng xấu đi từ những ngày đầu năm, đỉnh điểm đến sáng 5-1-2021 chạm ngưỡng "rất xấu".

Và không riêng tại Hà Nội, hệ thống quan trắc PAM Air - với mạng lưới đo lớn nhất Việt Nam cũng thấy, ô nhiễm không khí lan rộng khắp các tỉnh miền bắc và Bắc Trung Bộ. Một số điểm đo tại các địa phương lân cận cho thấy, ô nhiễm không khí với ngưỡng nguy hại tại các điểm đo ở Nông Trang (TP Việt Trì, Phú Thọ), điểm đo Lạc Trung ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), điểm đo thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên). Theo nhận định của PAM Air, những điểm ô nhiễm lên cao bất thường thường liên quan hoạt động đốt không kiểm soát ngoài trời, hoặc gần nơi phát thải công nghiệp. PAM Air cũng dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài cho đến khi một đợt gió mùa đông bắc mới tràn xuống nước ta. Từ nay đến tháng 3 năm sau sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), gần đây mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, kết hợp yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa. Cùng quan điểm này, GS Phạm Ngọc Ðăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, chỉ khi "diệt" được hai nguồn này, không khí sẽ trong sạch trở lại.

Tại sao không thể xử lý tận gốc?

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức, dù thiệt hại sức khỏe con người và kinh tế là rất lớn và nhãn tiền. "Vấn đề kiểm soát các nguồn thải không chỉ riêng ngành TN&MT làm được mà cần sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương và người dân. Ðơn cử, để hạn chế đốt rác thải cần có sự vào cuộc của tổ dân phố và đồng thuận của người dân", ông Tùng dẫn chứng.

Một nghiên cứu về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã chỉ ra, 40% bụi mịn PM2.5 đến từ hoạt động giao thông. Như vậy, cho dù các nguồn gây ô nhiễm không khí có dần giảm đi, nhưng nguồn gây ô nhiễm từ giao thông sẽ vẫn là tồn tại lớn. Chỉ ra thực tế này, PGS, TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường đề xuất, chỉ cần hệ thống đèn xanh đèn đỏ hợp lý, tốc độ trung bình tăng lên thì bụi mịn từ giao thông cũng sẽ giảm đi, hoặc tốc độ lái xe không phải phanh gấp, bụi cũng ít hơn. Thêm nữa, ông Dũng chỉ ra sự bất cập và phi lý trong việc lưu hành xe máy, bởi khi đã lăn bánh thì không phải đăng kiểm cũng không phải tuân theo tiêu chuẩn khí thải nào!?

Nói thêm về giải pháp Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đề nghị thu hồi xe máy cũ gần đây, ông Hoàng Dương Tùng khẳng định, dù Bộ TN&MT có văn bản đề nghị việc này, nhưng với quy định của pháp luật hiện hành, không có cách nào để thu hồi tài sản xe máy cũ của người dân. Vì đây là tài sản được chứng nhận sở hữu cho người dân, hiện nay cũng chưa có quy định thế nào là xe thải bỏ, không có khung pháp lý thu hồi tài sản xe máy cũ của cá nhân nên các địa phương khó thực hiện. Ông Tùng đề nghị, khi không thu hồi được xe máy cũ nát, phải thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe máy để áp dụng biện pháp chứng nhận xe máy đủ điều kiện lưu hành và dừng lưu hành với xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.

Cùng đó, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất, cần có một "Nghị định 100" trong xử phạt hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, bên cạnh áp dụng công nghệ 4.0 để tăng cường hoạt động giám sát. Cần có những chế tài nghiêm ngặt hơn để xử lý các cơ sở sản xuất, công trường gây ô nhiễm. Muốn xử lý triệt để cần phải đo đạc chi tiết mức độ ô nhiễm, mức độ nào để có hình thức xử lý. Và điều không thể thiếu, đó là quyết tâm của cơ quan chức năng, chính quyền cần đi vào thực chất và hiệu quả, thay vì làm cho có. Phải gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần làm giảm ô nhiễm.

Ngăn chặn ô nhiễm không khí dù khó, nhưng chắc chắn chúng ta làm được với quyết tâm các cấp chính quyền thông suốt, quy trách nhiệm rõ ràng và quyết liệt thực thi các chế tài.

Bộ TN&MT gần đây có văn bản (7442/BTNMT-TCMT) gửi đến UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đề nghị đơn vị chức năng cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân, cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ về các đợt ô nhiễm không khí. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường.