Đừng chỉ chữa “ngọn”

Theo dự báo của các chuyên gia y tế, từ nay đến hết tháng 11, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, đòi hỏi công tác phòng, chống căn bệnh này cần những giải pháp hiệu quả.

Điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa.
Điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa.

Chủ quan và thiếu chế tài

Theo Sở Y tế TP Hà Nội, đến đầu tháng 10-2019, thành phố đã ghi nhận khoảng 6.000 ca mắc SXH Dengue, không có trường hợp tử vong. Trước đó, trong tháng 8, Hà Nội ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc SXH/tuần, thì tháng 9 vừa qua, số ca mắc đã tăng từ 400 đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, nguyên nhân gia tăng số ca mắc SXH là do khu vực miền bắc có nhiệt độ cao hơn nền nhiệt độ trung bình hằng năm từ 0,5 đến 1,5 độ C, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê từ bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới thành phố, mỗi ngày BV điều trị khoảng 250-300 bệnh nhân. Riêng trẻ em chiếm một phần ba, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng phải hỗ trợ thở máy, điều trị hồi sức tích cực dù chỉ mới trong ngày thứ ba của bệnh. Đáng lưu ý, trong hai tháng qua, BV ghi nhận rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh SXH từ tỉnh Tây Ninh chuyển đến. Số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) cho thấy, số ca tích lũy đến tuần 41 (ngày 13-10) là 50.644 ca, tăng 111% so cùng kỳ năm 2018 (23.990 ca). TP Hồ Chí Minh ghi nhận chín ca tử vong do SXH, hầu hết đều do tự “điều trị” ở nhà, người bệnh chỉ đến cơ sở khám, chữa bệnh khi đã muộn, một số có tiền sử bệnh lý mạn tính.

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nguyên nhân khiến SXH gia tăng là do tác động của biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa phát triển mạnh, nhưng chưa đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường còn hạn chế... Đặc biệt, hằng năm chỉ lưu hành hai tuýp vi-rút Dengue gây bệnh SXH là tuýp DEN1, DEN2, nhưng năm nay xuất hiện thêm tuýp DEN3, làm cho số người có nguy cơ mắc bệnh tăng lên.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, dịch bệnh tăng còn do nguyên nhân chủ quan ở một số địa phương chưa chú trọng bố trí kinh phí chống dịch, chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống bệnh. Các chế tài xử phạt với cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ bọ gậy truyền bệnh còn rất hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại các địa phương. Các chiến dịch diệt bọ gậy cũng vẫn mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên, bền vững. Đặc biệt, do căn bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên ảnh hưởng tới hiệu quả chống dịch.

Không để “trên nóng dưới lạnh”

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những tháng qua nhiều địa phương cũng trở thành điểm nóng của dịch SXH, như: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Phú Yên,... Để phòng, chống dịch bệnh này, theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cơ quan này đang tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt, yêu cầu các địa phương tích cực vào cuộc phòng, chống dịch, tránh để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Theo đó, tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đang tiến hành mọi biện pháp như tuyên truyền, phun hóa chất, dọn dẹp vệ sinh, phân tuyến điều trị. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chỉ là phần ngọn, mọi công sức, nỗ lực của ngành y tế sẽ tiêu tan nếu cơ sở và người dân không chung tay triển khai các biện pháp ở phần gốc là vệ sinh môi trường, chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy. Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định, việc phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế để bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng.

Phòng, chống dịch SXH là trách nhiệm của mọi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở, bắt đầu từ những việc cụ thể, như vệ sinh môi trường sạch sẽ. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với những công trình xây dựng không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Cần nâng cao tuyên truyền đến từng tổ dân phố để mỗi hộ gia đình tự phòng ngừa, nhất là phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu bởi các ổ bọ gậy trong các chậu hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình, bể chứa nước tại các công trình xây dựng của người dân.

Bộ Y tế nhận định, nếu không tích cực phòng, chống dịch hiệu quả, SXH năm 2019 sẽ gia tăng mạnh, vượt số mắc trung bình hằng năm là khoảng 100.000 ca/năm.