Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019

Dự báo nhiều biến động

Cho đến thời điểm này, Kỳ thi THPT quốc 2019 có thể coi là đạt yêu cầu đề ra, với những đánh giá tích cực từ các chuyên gia cũng như dư luận xã hội. Điều quan trọng lúc này là các thí sinh và gia đình cần sự tỉnh táo, không chạy theo phong trào, để tìm hiểu kỹ thông tin cũng như dự báo về nhu cầu nhân lực, trước khi quyết định chọn ngành học phù hợp.

Dự báo mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhẹ...
Dự báo mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhẹ...

Nhìn từ phổ điểm…

Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và toàn xã hội siết chặt công tác coi thi, chấm thi hơn. Mặt khác, việc giao cho các trường đại học (ĐH) chấm thi các môn trắc nghiệm cũng góp phần giảm tiêu cực, gian lận điểm thi nên kết quả thi THPT quốc gia 2019 đã phản ánh thực chất, trả về giá trị thực.

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố điểm, phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (ngày 14-7), nhiều ý kiến từ các chuyên gia giáo dục đã nhận định tích cực về phổ điểm và cho rằng, điểm thi THPT quốc gia năm nay đã phản ánh đúng chất lượng dạy học, đánh giá đúng năng lực của học sinh, bảo đảm phân hóa phù hợp, công bằng đối với mọi đối tượng học sinh.

Theo dữ liệu phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước đạt 94,06%, giảm 3,51% so năm 2018 (năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt 97,57%, trong đó giáo dục THPT đạt 98,36%, GDTX đạt 88,37%). Đặc biệt, kết quả tốt nghiệp năm 2019 có sự khác biệt giữa các tỉnh/vùng miền khi các tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có truyền thống hiếu học thì tỷ lệ tốt nghiệp cao; trong khi đó, nhiều tỉnh ở miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.

Cụ thể, Nam Định là địa phương dẫn đầu cả nước với 98,57% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng, Hậu Giang… đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn 95%. Trong khi đó, một số địa phương đã xảy ra gian lận thi cử năm 2018 như Hà Giang, Sơn La có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm sâu so với năm 2018, còn hơn 70%.

Về điểm thi, Nam Định cũng vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2019 là 5,97 điểm. Xếp ngay sau đó là Hà Nam với mức điểm trung bình là 5,89 điểm. Xếp thứ ba và bốn lần lượt là tỉnh Bình Dương và Ninh Bình. TP Hồ Chí Minh cũng có sự thay đổi lớn về thứ hạng khi xếp thứ năm với điểm trung bình 5,81. Năm ngoái, địa phương này xếp thứ chín cả nước với mức điểm là 5,25. Riêng Hà Nội, năm nay xếp thứ 25 với 5,50 điểm, cao hơn một bậc so với năm 2018.

Hiệu quả của đề thi

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhận xét: Phổ điểm các môn thi năm nay có sự phân hóa rõ rệt, bảo đảm được cả hai tiêu chí xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Với phổ điểm này tỷ lệ tốt nghiệp tại các tỉnh sẽ vẫn ở mức bảo đảm còn các trường ĐH vẫn đủ độ tin cậy để sàng lọc đầu vào vì có sự phân hóa rất rõ. “Nếu quan sát kỹ thì có thể thấy, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2019 nhỉnh hơn một chút so năm 2018 nhưng cơ bản phổ điểm các môn thi năm 2018, 2019 thì lại có sự tương đồng. Kết quả này có được là do năm nay, Bộ GD&ĐT và toàn xã hội siết chặt công tác coi thi, chấm thi hơn. Mặt khác, việc giao cho các trường ĐH chấm thi các môn trắc nghiệm cũng góp phần giảm tiêu cực, gian lận điểm thi nên kết quả thi THPT quốc gia 2019 sẽ thực chất, trả về giá trị thực…”, ông Sơn đánh giá.

Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Việt, nhận xét: Nội dung đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi được cải thiện qua từng năm và năm nay được đánh giá là bám sát nhất mục đích của kỳ thi. Cụ thể, ông Lê Lâm dẫn chứng, năm 2017 là năm đầu tiên có sự điều chỉnh nhiều nhất trong cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia khi môn Toán áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, áp dụng hình thức thi theo bài thi tổ hợp. Kết quả đây là năm mà đề thi được đánh giá “dễ thở” và xuất hiện hiện tượng “mưa điểm 10”. Bước sang năm 2018, không còn hiện tượng mưa điểm 10 nhưng đề thi có nhiều câu ở mức độ đánh đố, chưa phù hợp. Đây cũng là năm xuất hiện nhiều tiêu cực liên quan kỳ thi quốc gia ở một số tỉnh miền núi phía bắc.

Còn năm 2019 này, nội dung đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi được đánh giá là đã điều chỉnh bám sát mục đích của kỳ thi khi đề thi có độ phân hóa cao, nội dung các câu hỏi tương đối phù hợp. Hình phổ điểm của các môn thi được đánh giá tương đối chuẩn, thực chất...

Điểm chuẩn sẽ thay đổi?

Trước tình hình phổ điểm năm nay được đánh giá chuẩn, thực chất hơn, nhiều chuyên gia cũng dự báo mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhẹ so năm ngoái.

ThS Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, dự đoán: “Dựa vào phổ điểm của các khối năm nay, có thể những trường ĐH ở top trên sẽ có ngưỡng điểm cao hơn so với năm ngoái từ 1-3 điểm. Đối với những trường hằng năm có mức trúng tuyển từ 18-21 điểm thì năm nay có thể cũng sẽ cao hơn chút. Nhưng mức điểm tăng lên theo tôi sẽ không vượt quá hai điểm so điểm trúng tuyển vào các ngành, các trường đó trong năm 2018”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Trưởng ban Đào tạo - Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định: “Có thể điểm chuẩn của các trường ĐH năm nay sẽ có khá nhiều biến động. Một khi các trường đã chia sẻ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác thì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi. Do đó theo tôi năm nay sẽ có một số ngành điểm chuẩn tăng nhẹ”.

Còn ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Việt, thì cho rằng: Mặt bằng chung thì điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, thời điểm này điều quan trọng với các thí sinh là khi đã có kết quả, nhìn thấy phổ điểm, điều các em cần làm là so sánh điểm thi của mình với điểm chuẩn các năm để có sự điều chỉnh nguyện vọng nếu cần. Đặc biệt, quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu kỹ thông tin nhằm chọn được ngành học phù hợp chứ đừng chạy theo phong trào chọn ngành “hot”, ngành thời thượng vì sẽ dễ bỏ qua cơ hội trúng tuyển.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi cơ chế tự chủ được áp dụng nhiều hơn ở các trường ĐH, CĐ cả công lập và ngoài công lập, nhất là trong điều kiện được dự báo có nhiều nguồn tuyển sinh hơn sau kết quả thi THPT quốc gia năm nay, thì các cơ sở giáo dục càng phải đề cao trách nhiệm xã hội, bảo đảm chất lượng đào tạo.