Đối phó nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát

Nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua liên tục ghi nhận các ca sốt xuất huyết, nhất là tại các tỉnh phía nam. Trong bối cảnh hệ thống y tế đang phải chật vật đối phó với đại dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, nếu dịch sốt xuất huyết bùng phát, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách nhằm tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Cán bộ y tế dự phòng huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội phun hóa chất diện rộng phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: SYT Hà Nội
Cán bộ y tế dự phòng huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội phun hóa chất diện rộng phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: SYT Hà Nội

Ổ dịch xuất hiện nhiều nơi

Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào mùa mưa, cũng là thời điểm bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng. Các ổ dịch đồng loạt xuất hiện ở nhiều nơi, như huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh… Riêng tại Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 6-2020 đã có 873 ca mắc SXH, giảm 40% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì tuýp vi-rút Dangue-2 đang chiếm ưu thế tại tỉnh này - đây là tuýp thường gây dịch SXH với số ca mắc và tử vong cao. Còn tại An Giang, trong sáu tháng đầu năm nay, tỉnh có 1.119 ca mắc SXH, giảm 10% so cùng kỳ năm 2019. Song, An Giang đang vào mùa mưa, bệnh SXH có nguy cơ gia tăng.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ThS, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), trong sáu tháng đầu năm, số ca SXH (và một số bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng) hằng tuần luôn thấp hơn khoảng hai phần ba so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, các phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy, trong tuần cuối tháng 6-2020, số phường, xã có ca SXH là 114. Tuần đầu tháng 7, con số này là 144, tăng thêm 30 phường, xã. Trung bình, mỗi phường, xã có hai bệnh nhân. “So sánh với diễn tiến nhiều năm liền, sự gia tăng số lượng bệnh nhân trong tuần đầu tháng 7 tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới. Đỉnh dịch có thể đạt vào khoảng tháng 10, 11”, bác sĩ Nga nhận định.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính chung cả nước từ đầu năm 2020 đến ngày 12-7, ghi nhận 36.253 ca mắc SXH, trong đó có ba ca tử vong (tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh). So cùng kỳ năm 2019, số ca mắc giảm 58,6%, số tử vong giảm 10 ca, nhưng hiện số ca mắc bắt đầu gia tăng theo diễn biến mùa dịch hằng năm và đã tăng hơn so với trung bình 5 năm trước. Số ca mắc SXH tăng trong những tuần gần đây, theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), là do dịch có tính chất chu kỳ, số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm bởi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho véc-tơ (muỗi) truyền bệnh phát triển. Theo đó, số ca SXH có thể tăng nhanh trong thời gian tới, nếu cộng đồng không quyết liệt và chủ động trong việc diệt loăng quăng thì nguy cơ xảy ra dịch ở quy mô xã, phường rất cao. Đơn cử như tại Hà Nội, sáu tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc SXH, phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường. Đáng lo, bệnh nhân SXH tại Hà Nội có xu hướng gia tăng nhanh trong ba tuần gần đây.

Không để “dịch chồng dịch”

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH, để kiểm soát tốt tình hình, không để dịch lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế mới đây đã ban hành Công văn số 3608/BYT-DP (ngày 3-7-2020) đề nghị UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giao UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7-2020 và duy trì hoạt động mỗi tuần một lần tại các khu vực có nguy cơ cao, hai tuần một lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và một tháng một lần tại các khu vực còn lại.

Chuyên gia Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, dịch SXH năm nay đến sớm hơn mọi năm và sẽ khiến diễn biến khó đoán cho dù các chủng gây bệnh không có gì đột biến. Dù người mắc SXH vẫn tập trung ở khu vực miền nam (gần 70% người bệnh) nhưng năm nay đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng… là những tỉnh, thành phố có số mắc SXH tăng cao bất thường so với năm trước. Ông Phu đề nghị, các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối của hệ thống điều trị SXH, như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Nhi Trung ương, BV Nhi đồng 1 và 2 TP Hồ Chí Minh... cần chủ động chỉ đạo tuyến, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, điều trị người bệnh cho phù hợp với tình hình của từng bệnh viện và hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới. Các ca tử vong, nếu có, phải được phân tích nguyên nhân cụ thể để rút kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tương tự.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất rằng, kiểm soát căn bệnh này, các địa phương cần triển khai việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý bệnh truyền nhiễm (phần mềm GIS, như cách làm của TP Hồ Chí Minh mới đây) khi triển khai cho các đơn vị y tế quận, huyện, phường, xã. Theo đó phần mềm quản lý toàn bộ diễn biến của bệnh SXH trên địa bàn địa phương mình. Thông qua phần mềm GIS, việc ca bệnh SXH phân bố nơi nào, đã được điều tra dịch tễ ra sao, có hình thành ổ dịch hay không, kết quả xử lý ổ dịch hiệu quả thế nào… phải được kiểm soát chặt chẽ. Từ phần mềm GIS, người sử dụng sẽ theo dõi được tình hình dịch bệnh, để có dự báo và biện pháp can thiệp kịp thời... GIS cũng có thể tích hợp được thêm các bệnh tay - chân - miệng, cúm, zika và thương hàn.

Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn nhiều biến động phức tạp, các dịch bệnh khác như tay - chân - miệng, bạch hầu xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố, nhằm chủ động phòng, chống dịch SXH, các cấp chính quyền cần có sự phối hợp các ban, ngành đoàn thể và ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp, tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy tại các xã, phường và phun hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nhiều bệnh nhân, các ổ dịch kéo dài, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch, không thể để tình hình “dịch chồng dịch”.

Liên quan bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng cho biết, tính tới ngày 13-7 tại bốn tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk đã có 80 người mắc, gấp bốn lần so trung bình hằng năm trên toàn quốc. Hiện có hơn 23.000 liều vắc-xin có thành phần ngừa bạch hầu đã được cấp cho khu vực Tây Nguyên ngay sau khi dịch xảy ra. Các địa phương vùng dịch vẫn đang triển khai tiêm chủng, bên cạnh vắc-xin phục vụ chiến dịch tiêm ngừa bạch hầu (tiêm trên 10 triệu liều vắc-xin cho 4,7 triệu người) cũng đang được triển khai. Trước tình trạng người dân một số vùng có dịch không chịu tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng yêu cầu cán bộ y tế vận động để họ hiểu được ý nghĩa của chiến dịch và tham gia tiêm ngừa.