Kỳ thi THPT quốc gia 2019

Còn không ít nỗi lo

Trong cái oi nắng giữa hè, những ngày thi chính thức của Kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra từ ngày 25 đến 27-6 tại khắp các điểm thi trên cả nước, khởi đầu cho một mùa tuyển sinh trước thềm năm học mới 2019-2020. Bên cạnh những điểm mới tích cực của kỳ thi năm nay, vẫn còn không ít nỗi lo.

Các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Thăng Long (TP Hà Nội). Ảnh: Mỹ Hà
Các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Thăng Long (TP Hà Nội). Ảnh: Mỹ Hà

Trách nhiệm của nhiều cấp, ngành

Phải nói ngay rằng, việc bảo đảm an toàn, hiệu quả, chất lượng cho một kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia đã không còn là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Từ nhiều tháng trước khi kỳ thi diễn ra, từ Trung ương đến địa phương, nhiều cấp, nhiều ngành đã cùng phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan công tác tổ chức kỳ thi: từ các khâu chuyên môn trong tổ chức thi cho đến bảo đảm việc di chuyển, đi lại của từng giám thị, mỗi thí sinh; các đoàn thể, tình nguyện viên cũng hăng hái vào cuộc; mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ những ngày này cũng tất bật lo toan, mong sao bảo đảm tốt điều kiện để con em mình làm bài đạt kết quả cao nhất.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong ngày 24-6, tổng số thí sinh đã đến làm thủ tục dự thi trên toàn quốc là 879.742 (trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 887.104), đạt tỷ lệ 99,17%. Số liệu các ngày thi sau đó cũng cho thấy có tới hơn 99% số thí sinh tham gia. Cùng với đó ngành giáo dục phải huy động lực lượng khá lớn cán bộ, giáo viên tham gia công tác tổ chức thi. Áp dụng quy chế mới, để các thí sinh đỡ phải di chuyển đến các điểm thi, cụm thi tập trung ở các thành phố lớn, đồng thời tăng cường sự tham gia, giám sát nhiều giảng viên, cán bộ của các trường đại học, cao đẳng đã phải di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác trông thi. Thay vì thí sinh phải khó khăn trong đi lại, thì giờ các thầy cô phải thêm phần vất vả!

Nhìn chung, qua hai ngày thi đầu, điều đáng mừng là xảy ra không nhiều các sự cố lớn. Bên cạnh đó, có không ít câu chuyện, hình ảnh xúc động được truyền thông đăng tải. Những quy chế, quy định thi cử qua rút kinh nghiệm hằng năm đã dần hoàn thiện, không còn chỉ là để phục vụ đa số, mà đang hướng sự quan tâm đến từng người. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế, Thừa Thiên - Huế), có một thí sinh dự thi bị khuyết tật về mắt đã được cung cấp bộ đề thi được in riêng trên giấy khổ A3 chứ không phải A4 như bao đề thi khác. Đây cũng là bộ đề thi đặc biệt duy nhất trên cả nước. Hay như sáng 26-6, tại điểm thi Trường PTDT Nội trú và THCS-THPT Yên Minh (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), thí sinh Dương Công Minh ngồi một mình một phòng thi vì cả điểm thi chỉ có duy nhất thí sinh này dự thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, song khâu tổ chức vẫn được bảo đảm. Trước đó, sáng 25-6, một tình huống hy hữu khác nhưng cũng thật ấm áp tình người, là đội thanh niên tình nguyện tại điểm thi Trường THPT Đakrong (Quảng Trị) đã nhanh chóng đưa một thí sinh người dân tộc Bru-Vân Kiều kịp về dự thi vì em bận đi tìm con bò bị mất của gia đình.

Cũng qua mỗi buổi thi, không ít những hình ảnh xúc động, đó là ánh mắt trông đợi bên ngoài phòng thi của các phụ huynh; là tiếng vỗ tay, là hình ảnh những nụ cười hân hoan với lưng áo đẫm mồ hôi của biết bao bạn trẻ trong mầu áo xanh tình nguyện; và cả sự tất bật của các chiến sĩ cảnh sát giao thông,…

Những điểm cần rút kinh nghiệm

Đành rằng những ngày thi này tuy không xảy ra những sự cố lớn, nghiêm trọng, nhưng công tác tổ chức thi cũng còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm, bởi vẫn có những sự cố. Ngay buổi thi đầu tiên - môn Ngữ văn, tại điểm thi Trường THPT Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ, lợi dụng việc lơ là của giám thị, một thí sinh đã mang điện thoại vào phòng thi, sau đó chụp ảnh đề thi và gửi cho bạn bè bên ngoài nhờ giải hộ. Ngay trước ngày thi, đã có cả cán bộ coi thi và thí sinh bị tử vong vì tai nạn giao thông, đuối nước thương tâm; rồi còn không ít thí sinh bị tai nạn phải chống nạng đến điểm thi. Đau lòng hơn có trường hợp nữ thí sinh tại một điểm thi ở Bình Định phải đến phòng thi khi còn mang thương tích trên mình. Còn cả những sự cố về ùn tắc giao thông, một số vùng thời tiết không thuận lợi đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại cho cả thí sinh, phụ huynh và người làm công tác thi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang diễn ra, rút kinh nghiệm sâu sắc ngay từ kỳ thi năm ngoái, nhiều chuyên gia giáo dục quan sát kỳ thi lần này cho rằng, tuy khâu tổ chức đã tăng cường an ninh, song chúng ta chưa thể kết luận là một kỳ thi an toàn, bởi sau khi thi còn một khâu rất quan trọng nữa là tổ chức chấm thi (những sai phạm lớn của kỳ thi năm 2018 hầu hết diễn ra ở khâu này). Theo GS Đặng Ứng Vận, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, thì thậm chí vẫn còn một khâu quan trọng nữa sau chấm thi là khâu phúc khảo bài thi, và ở không ít trường hợp khâu này có khi còn kéo dài đến tận khi thí sinh đã vào học ở môi trường mới. “Các trường đại học, cao đẳng để bảo đảm uy tín và chất lượng đào tạo của mình cần có quy chế và làm nghiêm từ khâu kiểm tra hồ sơ đầu vào. Như thế, dù cho thí sinh có đang học rồi nhưng nếu phát hiện sai phạm, gian lận trong thi cử vẫn buộc phải thôi học” - GS Vận nêu ý kiến.

Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), thành viên tham gia tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021 và một số chuyên gia khác vẫn bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của mô hình thi “2 trong 1” này, và đề nghị “sắp tới khi ngành giáo dục đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục đại học thì khâu đột phá là thi cử cũng cần sớm được nghiên cứu, thay đổi”.