Chủ động phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa hè năm 2020 được dự báo có nền nhiệt cao, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao. Bởi thế cần nhiều biện pháp của cơ quan chức năng và sự phối hợp của người dân trong chủ động phòng ngừa "bà hỏa" viếng thăm.

 Cảnh sát PCCC tích cực chữa cháy tại kho xưởng may mặc ở tầng ba Công ty Song Ngân nằm trong khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải
Cảnh sát PCCC tích cực chữa cháy tại kho xưởng may mặc ở tầng ba Công ty Song Ngân nằm trong khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải

Nguy cơ rình rập

Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội đã xảy ra không ít vụ cháy. Tiêu biểu như tối 28-3 xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà ba tầng trên phố Hồ Ðắc Di (quận Ðống Ða); ngày 29-3 vụ cháy tại phường Phú Lương (quận Hà Ðông) đã thiêu rụi ba cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng; sáng 22-4 đã xảy ra cháy tại số nhà 47 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) và vụ cháy nhà nghỉ Hồng Nhung trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Nghiêm trọng nhất là vụ hỏa hoạn lớn xảy ra vào khoảng 11 giờ 20 phút trưa 6-5, tại tòa nhà ba tầng của Công ty Song Ngân, đang cho Công ty Biovet thuê làm kho, xưởng sản xuất thuốc thú y (nằm trong Khu công nghiệp Phú Thị - huyện Gia Lâm). Ngoài gây thiệt hại nặng về tài sản, đám cháy còn khiến ba công nhân Công ty Biovet tử vong. Ðiều đáng nói, tòa nhà này đã bị Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an TP Hà Nội, kiểm tra, ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động vì chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn cố tình cho thuê, sử dụng.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, các quy định về PCCC đối với kho xưởng, cơ sở sản xuất tập trung đông người được quy định rất chặt chẽ, chỉ cần thiếu tuân thủ sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng TP Hà Nội liên tục kiểm tra việc tuân thủ công tác PCCC trong các tòa nhà cao tầng, khu xưởng và công khai những đơn vị vi phạm, đồng thời yêu cầu các chủ công trình phải mau chóng khắc phục những bất cập trong bảo đảm an toàn công trình mà trong quá trình thi công, họ đã "lờ đi", nhưng không phải chủ công trình nào cũng tuân thủ. Thậm chí, còn có trường hợp cố tình vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như vụ việc tại Công ty Song Ngân nói trên.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Ðô thị (Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội) cho hay: Ðịa bàn thành phố có hàng trăm cơ sở vi phạm về PCCC, trong đó nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện ngăn cháy, không trang bị hệ thống báo cháy tự động, không trang bị hệ thống chữa cháy tự động, không trang bị hệ thống họng nước trong nhà, không đủ lối thoát nạn…

Ðiều khiến KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) lo ngại, còn nằm ở năng lực của lực lượng PCCC tại chỗ còn yếu, thiếu phương tiện. Thêm nữa, hạ tầng cũng là vấn đề cản trở công tác chữa cháy, nhiều vụ cháy ở sâu trong khu dân cư với ngõ nhỏ khiến phương tiện chữa cháy không vào được. Thực tế này đòi hỏi ý thức tự giác và tuân thủ PCCC của người dân, của các cơ quan, tổ chức phải được nâng cao.

Những lỗ hổng trong phòng cháy, chữa cháy

Theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NÐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn Luật PCCC thì Cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hằng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra, liệu có chuyện "xuê xoa" trong quá trình kiểm tra?

Một số ý kiến chỉ ra ở thành phố lớn như Hà Nội lực lượng phụ trách bị quá tải, một cán bộ trung bình phụ trách 150 cơ sở (theo quy định chỉ tối đa không quá 100 cơ sở). Ðại úy Lương Thị Xuân Thu (Trường đại học PCCC) cho biết: "Hệ thống văn bản pháp luật quy định về an toàn PCCC vẫn còn chậm được soát xét, bổ sung nên có nhiều nội dung chưa phù hợp. Như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chủ yếu là quy định về an toàn PCCC trong thiết kế, nghiệm thu công trình, chưa quy định rõ về các yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng; nội dung các quy định chồng chéo, lỗi thời; quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản liên quan đến kiểm tra an toàn PCCC còn nhiều tồn tại; việc kiểm tra giám sát của chỉ huy đơn vị đối với cán bộ kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức…". Ðại tá, TS Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học PCCC cũng chỉ ra: "Bên cạnh những mặt đã làm được, hoạt động thanh tra chuyên ngành PCCC còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Phạm vi thanh tra rộng, số đối tượng thanh tra nhiều nhưng số cuộc thanh tra còn ít; còn một số lĩnh vực có nguy cơ cao nhưng chưa được chú ý".

Ðể giải quyết tình trạng này, ông Lê Quang Hải đưa ra giải pháp: Trưởng đoàn thanh tra phải nắm vững các quy định của pháp luật về tranh tra chuyên ngành; mỗi thành viên trong đoàn thanh tra đều có nhiệm vụ riêng do trưởng đoàn thanh tra phân công. Việc nhận thức rõ trách nhiệm sẽ giúp mỗi thành viên trong đoàn chủ động hơn với nhiệm vụ của mình; báo cáo kết quả thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, công khai và đánh giá trung thực các vấn đề còn thiếu sót.

Cả nước đang trong mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện sẽ rất cao, dễ gây quá tải cho nhiều thiết bị. Chỉ cần một sơ sểnh nhỏ cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để công tác PCCC được tốt hơn, ngoài việc người dân, chủ cơ sở, chủ công trình phải tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống cháy nổ thì lực lượng chức năng phải chủ động, cương quyết hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, kiểm tra đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật, nhắc nhở các công trình vi phạm về an toàn PCCC mau chóng khắc phục những thiếu sót trong thi công công trình.

Theo Báo cáo số 77/BC-UBND, ngày 3-4-2020 của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 27-2-2019 đến 25-2-2020 trên địa bàn thành phố xảy ra 563 vụ cháy, làm 20 người chết (trong đó có năm vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, năm vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng…).