Chênh vênh trên hành trình “trưởng thành lành mạnh”

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Nhân Dân cuối tuần có buổi trò chuyện với TS Đặng Hoàng Giang (ảnh nhỏ) - tác giả của cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”. Ông đã dành hai năm để đồng hành cùng hơn một trăm bạn trẻ và tìm kiếm câu trả lời cho những đứt gãy trong mối quan hệ giữa các thế hệ của gia đình hiện đại.

“Ngoài đường chán, nhưng ở nhà còn chán hơn. Thế nên cứ phải đi ra đường” - lời tâm sự của một bạn trẻ trong cuốn sách Tìm lại mình trong thế giới hậu tuổi thơ.
“Ngoài đường chán, nhưng ở nhà còn chán hơn. Thế nên cứ phải đi ra đường” - lời tâm sự của một bạn trẻ trong cuốn sách Tìm lại mình trong thế giới hậu tuổi thơ.

- Sau khi hoàn thiện cuốn sách, điều gì ám ảnh ông nhất trong vai trò một nhà tâm lý - một tác giả và một người cha có hai cô con gái đang ở độ tuổi teen?

- Sau khi tiếp xúc với các bạn trẻ, điều có lẽ khiến tôi trăn trở nhất chính là sự đứt gãy về mặt kết nối giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch cho các bạn trẻ khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Có ba nhóm trẻ chịu tác động từ sự đứt gãy đó:

Thứ nhất, là nhóm có bố mẹ không quan tâm tới con cái. Họ có thể chu cấp đầy đủ vật chất, điều kiện cho con mình, có thể vẫn đang sinh sống ở kề bên con mình, thế nhưng chia sẻ, lắng nghe thì không. Trẻ em lớn lên trong một thế giới hiu quạnh, lạnh lẽo.

Nhóm thứ hai ở chiều ngược lại, bi kịch đến từ việc bố mẹ rất quan tâm nhưng lại bắt buộc con sống theo mong muốn, kỳ vọng của mình, không cho con được tự thân phát triển, giải quyết vấn đề của mình.

Chênh vênh trên hành trình “trưởng thành lành mạnh” ảnh 1

Nhóm còn lại, là nhóm trẻ bị đóng nhầm vai. Với tôi, đây là nhóm khó làm việc nhất. Bởi nhìn bề ngoài, các bạn rất ưu tú, nhưng nội tâm phức tạp, khổ sở thậm chí là bế tắc bởi những áp lực đè nặng. Theo tôi, lúc này vấn đề của các bạn được gói gọn trong một chữ “ngoan”. Đây là nhóm con cái phải trở thành người bạn đời, người chăm sóc, người bạn tâm sự, an ủi cho bố mẹ mặc dù điều đó không phù hợp với lứa tuổi của đứa trẻ. Trường hợp các bạn bị “phụ huynh hóa”, thường xảy ra khi bố mẹ yếu đuối về mặt tinh thần, không tự chu cấp được cho bản thân, không có một nguồn vui nào khác, không có nơi nào tâm sự...

- Phải chăng xung đột thế hệ trong gia đình mang tính tất yếu và chuyện tạo sự kết nối bền chặt là không thực tế, thưa ông?

- Dĩ nhiên vấn đề thiếu hụt sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không phải là vấn đề chỉ thời này mới có hay hình thành trong ngày một ngày hai mà là hệ quả của hàng chục năm kéo dài. “Người lớn” của ngày nay cũng phải lớn lên trong giai đoạn khó khăn thiếu thốn, không được học hành tử tế, khi trưởng thành thì có thể hôn nhân đổ vỡ, họ vô thức trao hết tất cả kỳ vọng hoàn thành những điều mình không làm được cho con cái của mình. Nó an ủi, chăm sóc mình, nó khiến mình được nở mày nở mặt. Điều đó trở thành một gánh nặng khủng khiếp trên đôi vai của người trẻ. Khi ấy, các bạn trẻ không có cơ hội để đi tìm bản thể của mình, không có cơ hội tìm được mình là ai, cần điều gì để bản thân hạnh phúc. Và cứ thế, những bạn trẻ ấy lại tiếp tục truyền thừa gánh nặng này lên đôi vai của những thế hệ trẻ tiếp theo.

- Trong cuốn sách của mình, ông có nhắc đến một số trường hợp “tự chữa lành”. Làm sao để các bạn trẻ không đơn độc trong hành trình ấy?

- Hiện nay có rất nhiều lớp, khóa học mang tên chữa lành, nhưng không phải lớp học nào cũng có chuyên môn, chất lượng đủ để đáp ứng, thật sự chữa lành, mà đôi khi còn đẩy người học thêm vào con đường sai lệch, khiến họ tự trách móc bản thân, oán giận bố mẹ, hoặc tìm đến những công thức đơn giản mà họ cho là có thể giải quyết được những vấn đề của mình. Khiến cho mọi chuyện trở nên tệ hơn. Câu hỏi đúng cần được đặt ra ở đây là: Một lớp học như thế nào mới giúp học viên tự chữa lành cho bản thân một cách hiệu quả nhất? Ai là người giảng dạy? Giảng dạy theo phương pháp như thế nào?

Việc đưa vào giáo dục phổ cập một bộ môn mang tên Tâm lý học cũng rất cần thiết, thế nhưng điều quan trọng hơn là, các bạn trẻ cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Trong bối cảnh, trên mạng có đến hàng nghìn trang thông tin khác nhau, cung cấp lượng thông tin khổng lồ, vừa đúng vừa không đúng về kiến thức cân bằng tâm lý. Vậy thì các bạn trẻ lại phải tự mình tìm cách sàng lọc thông tin, để tìm ra những nguồn thông tin chính thống. Như vậy, mới tránh được việc đang bình thường nhưng sau khi tìm hiểu trên mạng lại nghĩ mình bị trầm cảm!?

- Ở ba nhóm đối tượng ông đã phân tích nói trên, có thể đưa ra lời khuyên nào giúp hóa giải mối quan hệ đầy tổn thương giữa cha mẹ và con cái, thưa ông?

- Có thực tế là, bản thân phụ huynh cũng có thể có một quá khứ bị méo mó, làm ảnh hưởng đến cách hành xử của họ với con cái mà chính họ không hay biết. Đó là sự độc hại cho dù xuất phát từ sự yêu thương. Vậy nên, điều quan trọng là phụ huynh phải ý thức được vấn đề này, sau mới hy vọng họ thay đổi được.

Nhưng tôi nghĩ, rất khó để đặt hy vọng vào điều đó. Bởi với những phụ huynh ở tầm độ tuổi 50, 60, họ đã sống cả đời như vậy. Cho nên, cách tốt nhất mà các bạn trẻ có thể làm được đó là tự tìm cách chữa lành cho bản thân, tự tìm đến được sự hạnh phúc, sự an lạc, sau đấy sự an lạc tốt nhất có thể tác động ngược lại đến cha mẹ của họ, và khiến người lớn dần dần thay đổi được thông qua sự khỏe mạnh lại của đứa con. Các bạn trẻ không nên đặt mục tiêu hàng đầu của mình là thay đổi bố mẹ.

Tôi không có một công thức cụ thể nào để khiến cho mọi thứ tốt đẹp lên. Các bạn trẻ có lẽ phải học cách chấp nhận mối quan hệ giữa mình và cha mẹ không được như mình mong muốn. Chỉ có thể học cách buông bỏ những điều bản thân cho là tiêu cực mà bố mẹ đã làm, khiến mình không giận dữ, căm ghét bố mẹ nữa, từ đó mọi việc sẽ tốt lên theo năm tháng.

Tôi hy vọng thông qua câu chuyện của tuổi thơ, thông qua tâm sự của các bạn, để chính các bạn trẻ hiểu rằng: Họ không có lỗi! Cũng như để người lớn nhận ra, những việc làm tưởng chừng vô hại có thể ảnh hưởng sâu sắc thế nào đến quá trình trưởng thành của một bạn trẻ.

- Trân trọng cảm ơn ông!