“Căng thẳng” như thi vào… lớp 10

Kỳ tuyển sinh lớp 10 đã kết thúc sau hai ngày thi căng thẳng có cả nụ cười và nước mắt của các thí sinh. Và cũng có những sai sót đáng tiếc trong khâu tổ chức khiến cho Quảng Bình phải tổ chức thi lại môn văn. Một lần nữa kỳ tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) “nghẹt thở” khép lại cùng câu hỏi không mới - Đâu là giải pháp cho những bất cập trong kỳ thi và trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS)?

Một mùa thi căng thẳng đã khép lại.
Một mùa thi căng thẳng đã khép lại.

Căng thẳng giành "suất" vào trường công lập

Năm nay, ở TP Hồ Chí Minh có hơn 95.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó hơn 80.300 đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập, giảm khoảng 7.000 so năm ngoái. Số thí sinh thi thường là 74.180, thi chuyên là 6.140. Chỉ tiêu vào lớp 10 của 112 trường THPT công lập tại TP Hồ Chí Minh là 67.290. Như vậy, dự kiến khoảng hơn 13.000 thí sinh không trúng tuyển sau kỳ thi phải chuyển sang học các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.

Tương tự, ở Hà Nội năm nay có 85.870 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập trong khi tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230. Như vậy, cũng sẽ có khoảng 18.640 thí sinh không trúng tuyển và phải lựa chọn một "hướng rẽ" khác. Và còn nhiều địa phương khác như Ðà Nẵng, Quảng Bình, Cần Thơ… cũng tổ chức thi vào lớp 10 công lập.

Mong muốn có được một suất học trường công những tưởng là điều rất đỗi bình thường, vì hết THCS thì lên THPT, nhưng khi "mắt thấy tai nghe" tâm sự của phụ huynh, học sinh về hành trình "giành suất" học ở trường công mới thấy được những nhọc nhằn. Chị Nguyễn Thị Mai Thy (quận 3, TP Hồ Chí Minh), có con thi vào Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa (quận 1) kể, những ngày chuẩn bị bước vào kỳ thi, chị thậm chí lo lắng đến mức xin cho con ăn, ngủ ở nhà cô giáo suốt cả
ngày để học ôn để làm sao giành được suất học hiếm hoi vào trường công lập...

Có rất nhiều phụ huynh chia sẻ áp lực cùng chị Mai Thy. Họ cùng phải trải qua áp lực căng thẳng khi đón đợi con bên ngoài điểm thi. Vậy nên, không hiếm cảnh những đứa trẻ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bật khóc nức nở trong vòng tay cha mẹ sau khi kết thúc môn thi Toán, thi Ngoại ngữ... Hình ảnh đáng lý ra chỉ xuất hiện ở những kỳ thi lớn như thi vào ÐH, CÐ cách nay 5-7 năm.

Vì đâu nên nỗi ?

Liên quan kỳ thi vào lớp 10, từ năm 2006, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã ban hành Quyết định số 12/2006/QÐ-BGD về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, Sở GD&ÐT các địa phương hằng năm sẽ quyết định lựa chọn phương thức tuyển sinh THPT với ba phương thức gồm: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các tỉnh, thành phố trên cả nước đều lựa chọn phương thức thi tuyển để các em học sinh có thể lựa chọn vào những trường chuẩn, trường chất lượng theo khả năng của mình.

Tất nhiên, khi đã lựa chọn phương án thi tuyển thì những hệ lụy sau đó không thể nào tránh khỏi, đó là gánh nặng chi phí cho gia đình, xã hội; sự căng thẳng mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh… Và cả xu hướng chuộng bằng cấp vì quan niệm có vào trường THPT uy tín, chất lượng tốt thì "suất" vào ÐH sẽ rộng mở hơn.

Nói về vấn đề này, TS Ðặng Văn Sáng, một chuyên gia về công tác phân luồng học sinh sau THCS tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Hiện nay, các giải pháp để khắc phục bất cập vẫn còn khá chung chung. Giải pháp cụ thể và thiết thực như nên hay không nên quy định cứng tỷ lệ học sinh phải chọn học nghề thay vì vào THPT như một số tỉnh đã áp dụng cũng là một biện pháp hay cần nghiên cứu thêm. Ngoài ra cũng nên bổ sung các quy định pháp lý như thế nào để các nhà trường buộc phải quan tâm tới công tác hướng nghiệp, có phòng tư vấn hướng nghiệp, đưa các hoạt động hướng nghiệp vào chương trình nhà trường…

"Bên cạnh đó cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ GD&ÐT, giữa các địa phương với hai bộ để tăng cơ hội cho học sinh được "phân nhánh" vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng cần thiết để tham gia thị trường lao động. Ðặc biệt, việc dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin liên quan đào tạo nghề và cơ hội việc làm của các nghề qua đào tạo cũng là vấn đề đang thiếu mà các cơ quan quản lý nhà nước
cần quan tâm. Có làm tốt các công tác này thì việc phân luồng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao", ông Sáng nói.

Còn TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường ÐH Ðại Việt, cho rằng: Tâm lý bằng cấp, gánh nặng của các kỳ thi chuyển cấp, cuối cấp, thi THPT Quốc gia quá lớn khiến hầu hết các nhà trường đều chỉ chuyên tâm cho ôn luyện văn hóa. "Nhiều năm qua, Bộ GD&ÐT đã cho phép các nhà trường chủ động rà soát chương trình giáo dục hiện hành để giảm tải những kiến thức hàn lâm, không cần thiết, bổ sung các chủ đề, chuyên đề học tập gắn với thực tiễn. Theo quan sát của tôi, đã có nhiều mô hình trường học nông trại gắn với làng nghề truyền thống như được triển khai tại Hà Nội, Bắc Ninh, Lâm Ðồng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… để học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm, từ đó trong các em đã định hình được nghề nghiệp, yêu thích nghề nghiệp thì mục tiêu vào ÐH sẽ không còn lớn và có thể sẽ chuyển hướng rẽ sang học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS", ông Lâm bày tỏ.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác khiến cả phụ huynh và học sinh đều phấn đấu giành “suất” vào trường công lập, theo các phụ huynh là những trường ngoài công lập có tiếng đều căn cứ vào điểm của kỳ thi để tuyển sinh, còn các trường xét học bạ thì họ chưa thật sự tin tưởng. Chưa kể, chất lượng dạy học chưa khẳng định được, trong khi học phí thu “trên trời” là nguyên nhân khiến phụ huynh chưa tha thiết với các trường học này.