Chống ngập ở TP Hồ Chí Minh

Cần cách tiếp cận mới

Mặc dù những năm qua chính quyền TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ngập lụt trong mùa mưa tại đô thị này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí, có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn, do tác động của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, câu chuyện chống ngập tại TP Hồ Chí Minh đang đòi hỏi sự tiếp cận theo hướng hiệu quả hơn.

Nhiều tuyến đường tại phường Linh Ðông, quận Thủ Ðức ngập nặng sau cơn mưa. Ảnh: Ngọc Dương
Nhiều tuyến đường tại phường Linh Ðông, quận Thủ Ðức ngập nặng sau cơn mưa. Ảnh: Ngọc Dương

Ðã “chống”, vẫn ngập

TP Hồ Chí Minh vừa mới chính thức bước vào mùa mưa, với những cơn mưa chuyển mùa có lượng mưa không lớn, song đã khiến không ít khu vực phải gánh chịu cảnh ngập lụt rất nặng nề… Tại “rốn ngập” chợ Thủ Ðức, mỗi khi trời mưa, nước lại ồ ạt chảy từ đường Kha Vạng Cân, Võ Văn Ngân về các con đường quanh chợ khiến cho hàng loạt xe máy người dân bị chết máy, phải dắt bộ bì bõm trong nước. Nhiều nhà dân quanh khu vực này đã phải tìm mọi cách đắp “đê” để chặn những làn sóng nước tràn ngập vào nhà. Các tuyến đường như Nguyễn Văn Quá (quận 12), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú)... thời gian qua dù đã được đầu tư nâng cấp chống ngập, nâng cao độ mặt đường, thay cống mới song vẫn bị ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn, khiến người dân khốn khổ vì kinh doanh ế ẩm, sinh hoạt bị đảo lộn...

Ðại diện Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Ðức cho biết: UBND quận đã ban hành quyết định về thực hiện chương trình giảm ngập và thoát nước trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn quận cơ bản sẽ giải quyết được ngập nước trên các tuyến đường do UBND quận quản lý. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ngập sau các cơn mưa lớn tại đây vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do các tuyến đường Kha Vạng Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân có hệ thống thoát nước lâu đời với đường cống nhỏ, đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước hiện tại. Do đó, khi các trận mưa có lượng mưa từ 80-100 mm, các cống đều quá tải. Ngoài ra, địa hình của các tuyến đường trên tương đối dốc, khi mưa lớn, nước mưa chảy tràn trên mặt đường gây ảnh hưởng đến người dân.

Có nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng trên, trong đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, phân tích: Tại Việt Nam, mà đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính gây ngập là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng. Bằng chứng là có rất nhiều khu vực như “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh (nối quận 1 và quận Bình Thạnh), trước đây không ngập. Từ khi có hàng loạt dự án, nhà cao tầng mọc lên thì chỉ vừa mưa đã ngập. Mặt khác, việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng để các dự án được “cắm” vô tội vạ, bê-tông hóa toàn thành phố cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt.

Thực hiện nhất quán các giải pháp

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”, là một trong nhiều dự án trọng điểm nhằm giảm tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Cùng với công trình này, thành phố vẫn cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp lớn, bởi tình hình ngập đặc biệt phức tạp trong những năm tới.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: thành phố sẽ tập trung thực hiện tám giải pháp chống ngập. Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ quy hoạch 1/2.000 để điều chỉnh cốt nền phù hợp thực tế. Thứ hai, quản lý việc san lấp kênh, rạch. Thứ ba, xử lý hành lang lấn chiếm các cửa xả, rác thải, bịt miệng cống thoát nước. Thứ tư, duy tu, nạo vét cống thoát nước bởi nhiều địa bàn tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều con đường không có cống thoát nước, như ở quận 2, quận 9… nên xảy ra ngập úng khi mưa lớn. Thứ năm, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh, rạch. Thứ sáu, tăng cường không gian trữ nước, hồ điều tiết. Thứ bảy, giải quyết vướng mắc dự án chống ngập do triều. Thứ tám, đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp chống ngập của thành phố hiện chưa được đầu tư đồng bộ. Việc chống ngập theo từng tuyến đường là chưa hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực. Có một số khu vực nền đất bị lún so các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, vì vậy các dự án chống ngập có hiệu quả hay không trước tiên phải xem xét lại cấu trúc đường ống hệ thống đã đủ độ dốc chưa. Ðồng thời cần chú trọng đến việc quản lý, trong đó Công ty Thoát nước môi trường đô thị phải có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, không nên đổ lỗi cho những hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây đã lỗi thời.

Chung quanh thực trạng trên, TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị, cũng nêu quan điểm, TP Hồ Chí Minh cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Việc khôi phục các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ. “TP Hồ Chí Minh làm đường nhưng lại không làm cống trước, đây là lỗi từ quy hoạch, từ quản lý đô thị. Bên cạnh đó, một số cống được xây dựng nhưng công tác bảo trì không được thực hiện thường xuyên, khiến tình trạng tồn ứ rác quá nhiều, nước không thoát được”, TS Phạm Sanh nói.

Ở một góc nhìn khác, trước thực trạng sụt lún, nước biển dâng, ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ TP Hồ Chí Minh cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện xây dựng quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, cần chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập. Và điều cần thiết là phải xây dựng kịch bản cho những thảm họa đã được cảnh báo.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có đề xuất gửi Sở Tài chính về phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông được Phân viện Kinh tế xây dựng miền nam thuộc Bộ Xây dựng tính toán. Theo đó, giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi, bởi xã hội hóa đồng nghĩa với việc người dân thành phố sẽ phải đóng phí chống ngập. Trong khi đó, chống ngập là dịch vụ công, tác nhân gây ngập cho thành phố không phải người dân và mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông để áp dụng chung cho cả thành phố.