Bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em

Ngay từ những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, đoạn video clip một người phụ nữ vô tư để hai trẻ em đụng chạm vào cơ thể mình lan truyền trên mạng đã dấy lên làn sóng chỉ trích của cộng đồng, cũng như nỗi lo làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi xâm hại ngày càng biến tướng.

Những bài học thực tế trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mới là quan trọng nhất.
Những bài học thực tế trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mới là quan trọng nhất.

Đều phải bị lên án

Ngay khi nhận được phản ánh của người dân về đoạn clip, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, cùng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã vào cuộc, bước đầu kết nối với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cũng như địa phương để xác minh nội dung đoạn clip (có qua chỉnh sửa hay không, được quay lại vào thời gian nào,…), và thông tin của trẻ (tên, tuổi, địa chỉ, người giám hộ/chăm sóc, chi tiết vụ việc). Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em cho biết: “Nếu clip có thật, hành vi như vậy là xâm hại trẻ em, không có gì phải bàn cãi. Vấn đề bây giờ là xác minh tính xác thực, xem đó là clip thật hay dựng, sự việc xảy ra ở đâu, bao giờ”.

Song đó mới chỉ là một trong không ít vụ việc xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội thời gian gần đây. Bộ Công an cho biết bốn tháng đầu năm 2020, số vụ hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi tăng 29,84% so cùng kỳ năm trước. Không chỉ về số lượng, tính chất các vụ việc cũng bị biến tướng: bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị; vụ bố đẻ hiếp dâm con gái 10 tuổi, 14 tuổi ở Long An, Bắc Giang,…

Không chỉ hành vi của người phụ nữ trong clip đáng bị lên án, người phát tán đoạn video đó lên internet cũng là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt khi trong đó có nội dung liên quan đến trẻ em, cần phải bị xử phạt mạnh tay hơn. Chúng ta phải thừa nhận rằng, mạng xã hội có hai mặt. Nhờ các thông tin phản ánh trên mạng xã hội, các vụ việc xâm hại trẻ em có thể kịp thời được các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý. Thế nhưng, cũng trên mạng xã hội, hình ảnh của trẻ em bị công khai, phát tán, thậm chí trở thành “sản phẩm đồi trụy”.

Bà Lê Thị Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bức xúc bày tỏ: “Người đăng clip đó lên mạng là ai, mục đích là gì chúng ta không hề biết. Nhưng nếu như người đó có ý tốt, muốn tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, thì không nên đăng lên mạng xã hội, mà phải báo cáo với cơ quan chức năng!”.

Thiết lập hàng rào chặt chẽ

Luật Bảo vệ trẻ em hiện nay đã quy định rõ thế nào là xâm hại trẻ em, người thực hiện các hành vi đó sẽ bị xử phạt như thế nào, nhưng làm sao để tuyên truyền những nội dung này đến được với trẻ em, để chính các em có thể tự bảo vệ được bản thân, mới là điều quan trọng.

Trước hết phải bắt đầu với các bài học giáo dục giới tính ngay từ nhỏ. Khi trẻ dưới ba tuổi, còn bú mẹ thì việc được mẹ ôm ấp, được bố mẹ vệ sinh, tắm rửa là chuyện bình thường vì các em chưa thể tự làm. Thế nhưng, đến tuổi đi mẫu giáo lại khác. Các em phải được dạy rằng khi thay quần áo phải vào nơi riêng tư, đến độ tuổi nào và hoàn cảnh nào thì không thể duy trì những thói quen như ngủ cùng bố mẹ, đụng chạm vùng nhạy cảm…

Khi lớn hơn, các em được tiếp cận với các điều luật bảo vệ bản thân. Thí dụ như Phiên tòa giả định do Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh thực hiện để các em hiểu được thế nào là hành vi xâm hại, và sẽ bị xử phạt như thế nào, cũng là một phương thức hiệu quả. Thông qua các bài học đó, chính các bạn sẽ trở thành “đại biểu nhí” có thể phát hiện ra được những điều người lớn có thể chưa chú ý tới khi xây dựng luật.

Nhưng bên cạnh việc xây dựng hành lang bảo vệ trẻ em ở thế giới thực, thì còn một “thế giới ảo” rộng lớn hơn, ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn. Các bài đăng với nội dung nhạy cảm vẫn được đăng tự do trên mạng xã hội ngay cả khi đã có quy định xử phạt. Bà Hồng cho rằng: “Cần phải thiết lập một kênh để người dân có thể gửi đến các clip tố cáo, thay vì đăng công khai lên mạng xã hội”.

Trước đó, Cục An toàn thông tin và Cục Trẻ em đã ký hợp tác trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nhằm tạo nên mạng lưới bảo vệ trẻ em, xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng; nâng cao hiểu biết cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Thí dụ như với vụ việc nói trên, Cục An toàn thông tin sẽ hỗ trợ Tổng đài 111, phụ trách truy xuất nguồn gốc đoạn clip, ngăn chặn không để phát tán thêm. Tuy nhiên, để xác minh thông tin những đoạn clip trên mạng vẫn tốn nhiều thời gian, bởi thiếu sự giám sát và phối hợp của người trình báo (người dân hoặc người thân của trẻ).

Xét cho cùng, để bảo đảm cho sự vững chắc của một “ngôi nhà” mà nơi đó trẻ em an toàn, được lớn lên mạnh khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, hơn hết nó cần tôn tạo bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lớn.