Ba Bể, và cảm nhận

Bầu không khí trong lành những vườn hoa, đồi chè, trang trại cây ăn trái trĩu quả,… cuốn hút, nhiều du khách tìm đến nơi đây.

Thỏa thích trong nông trại cây ăn trái.
Thỏa thích trong nông trại cây ăn trái.

Không còn chỉ là nơi canh tác, phương tiện phát triển kinh tế của người nông dân, nhiều nông trại ở Ba Bể (Bắc Kạn) đang trở thành điểm dừng chân dành cho những ai yêu thích sự trong trẻo và tràn đầy sức sống của thiên nhiên.

Những trải nghiệm thú vị và khác biệt

Khác với những chuyến lên hồ Ba Bể (Bắc Kạn) trước đó, đặt chân tới thành phố Bắc Kạn, chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn đến tham quan một nhà máy sản xuất tinh bột nghệ. Vừa trải qua chặng di chuyển khá dài, mệt mỏi, chúng tôi được chiêu đãi nhiều loại nước uống hoàn toàn được tinh chế từ nghệ. "Ðã cơn khát" là cảm nhận đầu tiên khi thưởng thức loại nước này. Háo hức, cả đoàn ai nấy đều xếp hàng mua sản phẩm về làm quà. Ngay sau đó, chúng tôi được dẫn đi tham quan đồi trồng cây nghệ, tận thấy công sức, giọt mồ hôi của những người góp công làm nên sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ dân trồng nghệ ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, mà chúng tôi ghé qua đang sở hữu khu vườn nghệ hơn 1.000 m2, mỗi năm cho thu hoạch hơn hai tấn nghệ. Nghệ từ vườn nhà chị được cung cấp cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cây trồng này.

Lên Bắc Kạn dịp cuối năm, tận hưởng vị ngon ngọt của hồng không hạt, du khách vô cùng thích thú khi được dạo ngắm những vườn hồng của một số chủ vườn mở cửa đón khách tham quan. Tại xã Quảng Khê, hồng không hạt với 57 ha của Hợp tác xã Ðồng Lợi và các hộ dân trong xã, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Ðịa lý năm 2010, cũng là nơi có điểm du lịch Ðộng Hua Mạ, chỉ cách khu du lịch cộng đồng thôn Pác Ngòi, khu vực hồ Ba Bể sáu ki-lô-mét. Có nguồn thu từ bán hoa quả cho du khách, một số chủ vườn nơi đây năng động thiết kế vườn tươm tất hơn để tạo ấn tượng cho khách chụp ảnh lưu niệm. "Thật ra, ai trồng cây cũng vui vì cây cho thu hoạch, nhưng với những người làm du lịch canh nông, du khách đến càng nhiều thì sẽ càng vui hơn. Du khách đến đây trải nghiệm vườn đẹp, còn chúng tôi cũng trải nghiệm làm du lịch từ nông nghiệp", anh Việt Linh, một hướng dẫn viên du lịch trải lòng.

Thú vị nữa, khi tới thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể), khách du lịch còn được trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá và sản xuất tép chua ngay tại làng nghề. Ông Trần Quốc Phi, khách du lịch đến từ tỉnh Bình Phước nhận xét: "Một số sản vật của bà con ở huyện Ba Bể sản xuất rất ngon. Chúng tôi nhận thấy bán hàng sạch, đặc biệt là hàng OCOP nông sản phù hợp xu thế hiện nay, nên người sản xuất cần giữ uy tín và quảng bá rộng rãi để mọi người biết khi đến tham quan Ba Bể".

Tin tưởng mô hình du lịch là hướng đi đáng khích lệ, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ngoài lợi thế có Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó có hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trên thế giới, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, huyện Ba Bể còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có thể kết hợp để du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, Mỹ Phương với sản lượng khoảng 3.000 tấn búp tươi/năm; bí xanh thơm ở xã Ðịa Linh, Yến Dương với sản lượng 2.200 tấn quả/năm… "Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến Bắc Kạn chỉ bằng 25% so cùng kỳ năm ngoái. Song cũng đã có những tín hiệu vui, những tháng cuối năm 2020 nhiều đoàn khách lẻ đã chọn Bắc Kạn là điểm dừng chân", ông Hà hồ hởi.

Thử nghiệm và kết nối

Mô hình du lịch nông nghiệp đang được nhiều địa phương như Lâm Ðồng, Ðắk Lắk, Quảng Nam, Lai Châu, Hòa Bình… lựa chọn. Tại Ninh Thuận, các tour tham quan các trang trại táo, nho ở huyện Ninh Phước; vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn ở huyện Ninh Sơn; cánh đồng cừu An Hòa, Phước Trung ở huyện Ninh Hải, và Bác Ái; tour tham quan vườn cây ăn quả Phước Bình; mô hình tham quan vườn dâu tây; khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước... thu hút rất đông du khách, nhất là các bạn trẻ tìm đến trải nghiệm. Hay như tại Buôn Ma Thuột (Ðắk Lắk), chàng trai 9x Phạm Hoài Nguyên Anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ xuất khẩu cà-phê sang đón khách du lịch. Du khách sẽ được thăm vùng nguyên liệu, trải nghiệm quy trình sản xuất cà-phê hữu cơ, học cách phân biệt, cách pha các loại cà-phê và cách thưởng thức ly cà-phê đúng điệu. Một trải nghiệm mới lạ tạo dấu ấn riêng ở Ðắk Lắk.

Ba Bể, và cảm nhận -0
  Khách tham quan đồi trồng cây nghệ ở Bắc Kạn.
Ảnh: CUCUMIN BẮC HÀ
 

Từng dẫn du khách tới thăm nhiều mô hình nông trại trong cả nước, ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Du lịch MrLinh’s Adventures chia sẻ: Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 trong năm qua, nhiều doanh nghiệp đã lặng lẽ đóng cửa hoặc phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, Covid-19 cũng là phép thử để bản thân doanh nghiệp du lịch tìm hướng đi mới, thay đổi phương thức vận hành. Nắm bắt được "trong nguy có cơ", nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy chuyển hướng đi mới là thu hút khách nội địa, trong đó một sản phẩm đáng lưu tâm là làm du lịch kết hợp nông nghiệp. "Chúng tôi cố gắng kết nối du khách đến các nông trại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để làm sao đưa các sản vật địa phương như trà xanh, mật ong rừng, rau củ quả… đến với khách trước tiên, sau đó là đến người tiêu dùng trên cả nước. Chúng tôi đang khuyến khích du lịch cộng đồng, nên câu chuyện đặc sản của địa phương sẽ tạo cú huých cho những người dân khác có những ý tưởng mới để làm du lịch. Càng được quảng bá nhiều, du khách sẽ tìm đến nhiều hơn, người dân bán được sản phẩm, dịch vụ ăn uống mở ra người dân sẽ được hưởng lợi từ đó", ông Linh gợi mở.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng đồng tình rằng, làm du lịch nông nghiệp là xuất khẩu tại chỗ, là bán sản phẩm cho người đi du lịch đến nông trại mình. Trong khu vực, có thể đơn cử như tại cao nguyên Cameron (Ma-lai-xi-a), nơi có khí hậu tương đồng như ở Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo,… nước ta, người dân ở đây rất chú trọng phát triển du lịch canh nông. Không bán vé tham quan song họ lại bán được rất nhiều nông phẩm. Chỉ tính riêng sản phẩm từ dâu ở khu vực cao nguyên Cameron đã có đến 16 loại - từ dâu tươi, mứt dâu, nước dâu, kem dâu, sô-cô-la dâu, dâu sấy… Họ làm thỏa lòng du khách với sản phẩm tốt, bao bì tốt, nên bán được sản phẩm và thu được tiền. Rõ ràng, mô hình du lịch nông nghiệp không hề mới, nhưng cần phải có định hướng, có quy hoạch và tiêu chuẩn cơ bản, chứ không thể tự phát, mạnh ai nấy làm. Muốn vậy, các điểm du lịch nông nghiệp cần phải xây dựng bãi đậu xe, có cơ sở vật chất tối thiểu, có sản phẩm hàng hóa tốt và độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Du lịch canh nông là một lợi thế của các địa phương có nhiều sản vật vùng miền, do đó cần khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình này.

Không chỉ là quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, thân thiện môi trường, những trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, vùng đất, con người từ thực tế công việc đồng áng, chăm cây, hái quả… để lại dư vị ngọt ngào, trong trẻo trong tâm hồn du khách, như sự kết tinh kỳ diệu từ đất lành.

QUANG VIỆT - NAM KHÁNH