Ðã đến lúc các trường phải tự chịu trách nhiệm

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) về phương án thi trung học phổ thông (THPT) năm 2020 trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, kết quả kỳ thi nhằm tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT; còn các cơ sở giáo dục đại học đã đến lúc phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo theo luật định.

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học. Ảnh: Thùy Dung
Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học. Ảnh: Thùy Dung

Theo đề xuất của Bộ GD&ÐT được Chính phủ đồng ý, Bộ sẽ tiếp tục ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng các “hàng rào kỹ thuật” để quản lý chặt chẽ bài thi, vẫn có camera giám sát chấm thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Ðịa phương tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận, cán bộ coi thi là của các địa phương. Thanh tra Sở GD&ÐT, (dự kiến sẽ có thêm thanh tra của UBND cấp tỉnh) làm nhiệm vụ giám sát kỳ thi. Vẫn giữ bắt buộc thi ba môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi tổ hợp. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là bài thi tổ hợp gồm ba môn, tính ba đầu điểm như các năm trước mà chỉ là một môn thi tổng hợp các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên và chỉ tính một đầu điểm để học sinh (HS) chọn một trong hai môn (hoặc khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên) để làm bài.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh và nhà giáo dục cũng cho rằng, việc quyết định tổ chức kỳ thi như vậy là hoàn toàn hợp lý vì thực tế diễn biến dịch Covid-19 đã khiến trong thời gian giãn cách xã hội HS lớp 12 năm nay không được trực tiếp đến trường học tập. Việc học online qua điện thoại, máy tính hay ti-vi thì không thể lúc nào cũng hiểu được như trên lớp, nên khó có thể bảo đảm chất lượng thi. Ðây cũng là căn nguyên chính để kỳ thi này không đáp ứng được tiêu chí “hai trong một” vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ÐH, CÐ như thời gian qua. Thêm nữa, kỳ thi này chỉ còn mục đích thi tốt nghiệp cũng hoàn toàn hợp lý với tính chất của kỳ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá mặt bằng chất lượng HS phổ thông cả nước.

Thông tin về kỳ thi THPT được đưa ra khiến các trường ÐH, CÐ, phụ huynh và HS dự thi năm nay không khỏi có phần lo lắng vì tâm lý chung vẫn muốn “dựa vào” kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức những năm vừa qua. Cho dù năm 2018 kỳ thi này đã nảy sinh những tiêu cực nghiêm trọng, nhưng đây là kỳ thi vẫn được các trường ÐH, CÐ trông đợi để tuyển sinh. Lý giải về việc này, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng kỳ thi đã gánh đỡ phần trách nhiệm tự chủ trong tuyển sinh mà đúng ra các trường phải chủ động thực hiện theo tinh thần Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã quy định. Còn với các bậc phụ huynh và HS, do chưa nhiều trường đưa ra phương thức tuyển sinh thể hiện tinh thần tự chủ mà vẫn chủ yếu dựa vào kỳ thi THPT quốc gia nên bỏ kỳ thi này khiến họ lo lắng cũng là điều dễ hiểu.

Sau những lo lắng ban đầu, có thể thấy các trường đang dần yên tâm trở lại; trên thực tế, thời gian qua, đồng loạt các cơ sở giáo dục đại học thể hiện quyền tự chủ của mình bằng các phương án tuyển sinh. Số ít trường tổ chức thi đánh giá thêm năng lực thí sinh, nhiều trường xét tuyển học sinh lớp 12 bằng học bạ, còn khá nhiều trường thông báo vẫn xét tuyển từ kết quả thi THPT năm 2020.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình học kỳ II lớp 12 đã phải giản lược kéo theo nội dung thi cũng sẽ phải rút gọn. Ðây cũng là một trong những căn nguyên khiến Bộ GD&ÐT xin phép Chính phủ bỏ “chức năng” xét tuyển ÐH, CÐ từ kết quả thi lần này.

Nhìn vào phương thức tuyển sinh được các trường đưa ra, phần nào đã phản ánh tinh thần tự chủ của các cơ sở giáo dục.

Trước ngày Bộ GD&ÐT trình Chính phủ hai phương án thi THPT ít hôm, có vị hiệu trưởng một trường ÐH tên tuổi trả lời báo chí, khẳng định sẽ xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, nếu có thay đổi thì sẽ sau ngày 1-7, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, việc tuyển sinh của các trường ÐH, CÐ được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi (đã có hiệu lực từ gần một năm nay) chứ không phải Luật Giáo dục.

Thực tế từ năm 2018 đến nay, không ít trường đã tự chủ trong tuyển sinh bằng các phương thức xét tuyển riêng (thậm chí chỉ xét tuyển học bạ, không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia). Song, bởi còn kỳ thi quốc gia mang chức năng xét tuyển nên nhiều trường vẫn dựa vào đấy (đỡ phát sinh chi phí) làm căn cứ tuyển sinh, “bỏ quên” yếu tố tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ða dạng hóa phương thức tuyển sinh, song vẫn có thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức. Ðiều này không khỏi dẫn đến quan ngại về tính nghiêm túc và chất lượng kỳ thi có bảo đảm đánh giá năng lực thí sinh? Nhiều quan điểm cho rằng, cũng không nên quá lo, bài học tiêu cực của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 còn đó, giờ giao cho địa phương với sự phối hợp giám sát của Bộ GD&ÐT sẽ bảo đảm chất lượng.

Dịch Covid-19 và những đổi thay của mùa tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2020 này, buộc các trường đại học đứng trước những lựa chọn, giữ thương hiệu, lấy người học có đủ năng lực học tập hay dễ dãi tuyển sinh để lấy cho hết chỉ tiêu (?!). Trả lời câu hỏi này không chỉ thể hiện quyền tự chủ mà còn là trách nhiệm của các nhà trường với người học và xã hội.